Khi một bên vi phạm hợp đồng, bên kia có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm. Các biện pháp này được liệt kê tại Điều 292 Luật Thương mại là: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; Phạt vi phạm, Bồi thường thiệt hại; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Huỷ hợp đồng; và các biện pháp khác theo thoả thuận giữa các bên.
Pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi phạm đòi thực hiện biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ, khi bên bán giao hàng thiếu thì bên mua sẽ yêu cầu bên bán giao hàng đủ; hoặc khi bên bán giao hàng có khuyết tật thì bên mua có quyền yêu cầu khắc phục những khuyết tật này hoặc giao hàng khác thay thế. Bên vi phạm không thể dùng tiền hoặc hàng khác loại để thay thế, trừ trường hợp có sự đồng ý của bên kia.
Pháp luật Việt Nam sử dụng biện pháp phạt vi phạm nhằm phạt bên vi phạm. Biện pháp này thường sẽ không có hiệu lực theo quy định của common law, nếu mục đích của biện pháp là phạt chứ không phải là bù đắp cho bên bị vi phạm. Để bảo đảm tính công bằng của hợp đồng, pháp luật Việt Nam yêu cầu các bên phải đưa vào hợp đồng điều khoản phạt với mức phạt không quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại).
Đối với biện pháp bồi thường thiệt hại, pháp luật Việt Nam không yêu cầu mức bồi thường thiệt hại phải không vượt quá thiệt hại mà bên vi phạm lường trước, hoặc phải lường trước, vào thời điểm giao kết hợp đồng, trên cơ sở những dữ liệu mà anh ta đã biết hoặc phải biết, như quy định tại Điều 74 CISG. Pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi phạm đòi bồi thường tất cả các thiệt hại, bao gồm giá trị hàng hoá bị thiệt hại, thiệt hại trực tiếp và lợi ích trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu vi phạm không xảy ra. Điều đó có nghĩa là yêu cầu ‘lường trước được’ là yêu cầu không bắt buộc. Bên đòi bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để giảm tối đa thiệt hại. Nếu bên khiếu nại không thực hiện nghĩa vụ này, bên kia có quyền yêu cầu giảm một phần giá trị bồi thường. Nếu người mua chậm thanh toán, người bán có quyền đòi lãi chậm trả. Mức lãi suất là mức trung bình đối với nợ quá hạn trên thị trường vào thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi phạm yêu cầu tạm dừng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng khi xảy ra những điều kiện tạm dừng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng theo thoả thuận của các bên, hoặc khi một bên vi phạm cơ bản hợp đồng. Như vậy, các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam không áp dụng với những vi phạm dự kiến như CISG. Nếu có căn cứ rõ ràng là một bên sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, thì bên kia cũng không thể đòi áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm ngay, mà phải chờ đến khi vi phạm thực sự xảy ra. Ví dụ, người bán có thể biết người mua không thể trả được tiền hàng, nhưng không thể khiếu nại, mà phải chờ đến khi hết hạn thanh toán và người mua chưa thanh toán. Bên bị vi phạm phải thông báo cho bên vi phạm biết biện pháp khắc phục mà mình lựa chọn.
Khi sử dụng chế tài huỷ hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu huỷ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Việc huỷ một phần hợp đồng không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của những nội dung còn lại của hợp đồng.
Bên bị vi phạm chỉ có quyền đòi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng cùng với chế tài phạt và bồi thường thiệt hại. Việc đòi bồi thường thiệt hại không cản trở bên bị vi phạm yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục khác.