Có hai hình thức trọng tài thương mại quốc tế: ICA thiết chế và ICA ‘vụ việc’ (‘ad hoc’). Trong trọng tài ‘ad hoc’, các bên lựa chọn trọng tài viên và quy chế trọng tài. Cách thức thông thường là các bên liên quan lựa chọn một trọng tài viên, tiếp đó, các trọng tài viên này sẽ chọn ra một trọng tài viên thứ ba. Hội đồng trọng tài ‘vụ việc’ sẽ tự lựa chọn quy tắc thủ tục trọng tài (ví dụ, Quy tắc trọng tài UNCITRAL). Trọng tài ‘vụ việc’ có thể được thoả thuận trước, hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Trọng tài ‘vụ việc’ giả định trước về sự thiện chí và tính linh hoạt của các bên. Nó có thể giúp giải quyết tranh chấp nhanh hơn và giảm chi phí trọng tài hơn so với trọng tài thiết chế.
1. Trọng tài thiết chế
Đối với trọng tài thiết chế, ưu điểm của nó là thực hiện các chức năng hành chính quan trọng. Những chức năng này đảm bảo cho các trọng tài viên được chỉ định một cách kịp thời, đảm bảo cho hoạt động trọng tài diễn biến hợp lí và đảm bảo các khoản lệ phí và chi phí trọng tài được chi trả trước. Xét từ quan điểm của trọng tài viên, đây là điểm thuận lợi vì họ không phải làm việc với các bên về các khoản tiền thù lao, vì vấn đề này đã được trung tâm trọng tài giải quyết. Hơn nữa, quy tắc trọng tài của trung tâm trọng tài đã được thời gian thử thách và khá hiệu quả trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh. Một lợi thế nữa là nếu phán quyết trọng tài được đưa ra bởi một trung tâm trọng tài nổi tiếng, thì sẽ có uy tín đối với cộng đồng quốc tế và toà án. Điều này có thể khuyến khích bên thua kiện thừa nhận phán quyết của trọng tài.
(a) Toà trọng tài quốc tế của ICC
Toà trọng tài quốc tế của ICC là một tổ chức trọng tài nổi tiếng và uy tín nhất. Toà trọng tài quốc tế của ICC không phải là toà án theo nghĩa thông thường của thuật ngữ, cũng không phải là một phần của hệ thống tư pháp. Toà trọng tài chính xác là cơ quan hành chính chịu trách nhiệm giám sát quy trình tố tụng trọng tài. Các thành viên của Toà trọng tài bao gồm các chuyên gia pháp luật từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, Toà trọng tài có một Ban thư kí với đội ngũ nhân sự hành chính chuyên nghiệp và thường trực. Toà trọng tài của ICC khác với các tổ chức trọng tài khác là các phán quyết đều được xem xét kĩ lưỡng, theo đó các phán quyết đó sẽ không được đưa ra cho các bên cho đến khi được Toà trọng tài xem xét lại.
(b) Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế (‘ICDR’) của AAA
Số lượng vụ việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại ICDR tăng hàng năm. Số liệu về giải quyết tranh chấp trong 10 năm, từ 1993 đến 2003, tăng ba lần, từ 206 lên 646 vụ việc. Hơn nữa, ICDR đã mở văn phòng ở nhiều nước khác.
(c) Toà trọng tài quốc tế London (‘LCIA’)
Đây cũng không phải là cơ quan toà án theo nghĩa pháp lí, mà đúng hơn là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tổ chức trọng tài. Toà LCIA là cơ quan có thẩm quyền áp dụng các Quy tắc của LCIA. Nó cũng chịu trách nhiệm chỉ định hội đồng trọng tài, giải quyết các yêu cầu phản đối trọng tài viên và kiểm soát chi phí trọng tài. LCIA là tổ chức trọng tài quốc tế lâu đời nhất được thành lập từ cuối thế kỉ XIX. Người đứng đầu Ban thư kí của LCIA là một trợ lí hành chính và chịu trách nhiệm về các công việc hành chính, phục vụ cho hoạt động giải quyết tranh chấp của LCIA.
(d) Các tổ chức trọng tài khác
- Tổ chức trọng tài của Phòng thương mại Stockholm (‘SCC’)
- Uỷ ban trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (‘CIETAC’)
- Trung tâm trọng tài và trung gian/hoà giải của WIPO
- …
2. Quy tắc trọng tài UNCITRAL
Quy tắc trọng tài UNCITRAL được phát hành năm 1976 sau 10 năm nghiên cứu. Quy tắc trọng tài UNCITRAL dự kiến sẽ được chấp nhận tại tất cả hệ thống pháp luật của tất cả các nước trên thế giới. Các DCs nhanh chóng ủng hộ Quy tắc trọng tài UNCITRAL, vì các nước này đang sử dụng nó trong quá trình soạn thảo quy tắc trọng tài, và cũng bởi vì UNCITRAL là diễn đàn để phát triển các quy tắc trọng tài mà trong đó các mối quan tâm của họ được lắng nghe.
Quy tắc UNCITRAL cũng bao gồm quy định về yêu cầu thông báo, đại diện của các bên, phản đối trọng tài viên, chứng cứ, các phiên xét xử, địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ, các tuyên bố về yêu sách và biện hộ, các yêu cầu giải quyết về thẩm quyền của trọng tài viên, các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp khắc phục vi phạm, chuyên gia, các quy định về vắng mặt trong tố tụng, quy tắc về miễn trừ, hình thức và tác động của phán quyết trọng tài, luật áp dụng, giải quyết tranh chấp, việc giải thích các phán quyết và chi phí trọng tài. Cùng với Quy tắc trọng tài mẫu 1976, UNCITRAL đã ban hành Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế 1985. Theo Luật mẫu của UNCITRAL, các bên có thể đệ trình giải quyết tranh chấp và yêu cầu một trọng tài ‘vụ việc’ để giải quyết một tranh chấp cụ thể, nhưng điều đó gần như đã được xác định từ trước khi xảy ra tranh chấp, theo điều khoản trọng tài trong hợp đồng.
3. Quy tắc và điều khoản trọng tài ICC và LCIA
Rất nhiều các điều khoản trọng tài sử dụng Quy tắc của Toà trọng tài ICC tại Pa-ri. ICC giới thiệu điều khoản mẫu như sau: ‘Tất cả các tranh chấp phát sinh có liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết theo Quy tắc về hoà giải và trọng tài của Phòng thương mại quốc tế bởi một hoặc nhiều trọng tài viên được chỉ định theo Quy tắc nói trên.’