Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Các khoản thuế, phí, lệ phí áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài

Doanh nghiệp khi hoạt động phải chịu trách nhiệm đóng các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khác với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải nộp các khoản thuế, phí khác nhau mà doanh nghiệp Việt Nam không phải nộp. Vậy doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thể phải nộp những khoản thuế, phí, lệ phí nào, bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn đọc thông tin pháp luật về vấn đề này.

Thế nào là doanh nghiệp nước ngoài?

Doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài và có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Các khoản thuế doanh nghiệp nước ngoài phải nộp

Cũng như các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải nộp các khoản thuế sau theo quy định pháp luật:

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20% đối với các thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ các thu nhập chịu thuế khác quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra đối với thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác, doanh nghiệp sẽ chịu mức thuế suất từ 32% đến 50% (mức thuế suất cụ thể sẽ được quy định đối với từng dự án và từng cơ sở kinh doanh) (Khoản 3 Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC).

– Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Trong đó, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Thuế suất 5% áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Ví dụ những mặt hàng áp thuế suất 5% gồm có bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; giáo cụ dùng để giảng dậy và học tập hay các sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến,…

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không hưởng mức thuế suất 0% hoặc 5% (Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC).

– Thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với những hàng hoá, dịch vụ quy định tại Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung 2014 (VD như thuế lá, rượu, bia, xe ô tô,..)

– Thuế tài nguyên

Đây là loại thuế gián thu mà doanh nghiệp cần nộp cho Nhà nước khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên tại Nghị quyết số 1004/2015/UBTVQH.

– Thuế bảo vệ môi trường

Đây là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường như xăng, dầu, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng,… mà doanh nghiệp cần phải nộp theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

– Thuế xuất – nhập khẩu

Đây là thuế thu trên trị giá hàng hoá xuất – nhập khẩu mà doanh nghiệp cần nộp căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, trong đó bao gồm các loại thuế như thuế suất ưu đãi đối với hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam (Ví dụ như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia,..); những hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

– Thuế thu nhập cá nhân mà doanh nghiệp khấu trừ vào tiền lương, tiền công của người lao động

Đối với cá nhân là người nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế (dựa trên hợp đồng hoặc các văn bản liên quan cử sang Việt Nam làm việc) doanh nghiệp sẽ căn cứ vào biểu thuế toàn phần đính kèm tại Thông tư 111/2013/TT-BTC để xác định thuế suất phải nộp đối với thu nhập của lao động đó. Còn đối với cá nhân không cư trú tại Việt Nam tức chỉ sang Việt Nam làm việc ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất 20% theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Các khoản phí, lệ phí doanh nghiệp nước ngoài phải nộp

– Lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài là loại lệ phí được thu dựa trên số vốn điều lệ ghi trong GCN đăng ký kinh doanh hoặc vốn đầu tư ghi trong GCN đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP. Ví dụ đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng sẽ phải nộp mức lệ phí môn bài là 3 triệu đồng/năm.

– Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Đây là khoản thu phí Doanh nghiệp có thể phải nộp trong trường hợp doanh nghiệp muốn thuê lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài cử người sang làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam phải nộp để người lao động có thể làm việc. Quy định về mức thu phí được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các địa phương quyết định.

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng cần tuân thủ các quy định pháp luật về thuế, phí, lệ phí về mức thuế suất, mức phí doanh nghiệp phải nộp cũng như thời hạn doanh nghiệp phải tiến hành hoàn tất việc nộp các khoản chi phí nói trên để tránh việc bị xử phạt hành chính hay thậm chí là bị áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn