1. Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của Khu vực thương mại tự do ASEAN (‘CEPT’)
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của ASEAN, vào ngày 28/01/1992, các nước thành viên ASEAN thông qua Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế để xây dựng khung pháp lí cho hội nhập kinh tế trong thương mại, công nghiệp, khoáng sản, năng lượng, tài chính, ngân hàng, thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp, vận tải và truyền thông. Trong khi các lĩnh vực hợp tác khác chỉ có một số cam kết mang tính khuyến khích thực hiện để thúc đẩy hội nhập, thì phần về thương mại hàng hoá của Hiệp định này nêu ra các quy định chi tiết bằng việc dẫn chiếu tới Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của Khu vực thương mại tự do ASEAN (‘CEPT’) cũng được thông qua cùng ngày. CEPT là cơ chế chính để thực hiện AFTA, theo đó các nước ASEAN cam kết giảm thuế quan, loại bỏ các biện pháp hạn chế số lượng và các rào cản phi thuế quan khác. Cơ chế này áp dụng đối với mọi sản phẩm chế tạo và sản phẩm nông nghiệp được liệt kê ở bốn danh sách khác nhau trong các biểu cam kết của từng nước ASEAN.
Thứ nhất, Danh mục giảm thuế (viết tắt là ‘IL’) bao gồm những sản phẩm mà các nước ASEAN đã sẵn sàng cam kết giảm thuế nhập khẩu, loại bỏ các biện pháp hạn chế số lượng và các rào cản phi thuế quan khác. Lộ trình cam kết hoàn thành của các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) trong danh sách của mỗi nước là không muộn hơn ngày 01/01/2010, trong khi hạn hoàn thành của các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam) là không muộn hơn ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, các nước thành viên có thể liệt kê số lượng nhất định các sản phẩm ở Danh mục loại trừ tạm thời (viết tắt là ‘TEL’) để tự do hoá thương mại đối với các sản phẩm này theo lộ trình chậm hơn và dần dần đưa chúng vào Danh mục IL.
Thứ hai, Nghị định thư của ASEAN về thực thi Danh mục TEL, kí kết ngày 23/11/2000, cho phép ‘một nước thành viên tạm thời trì hoãn việc chuyển một sản phẩm từ Danh mục TEL của mình sang Danh mục IL’, hoặc ‘tạm thời ngừng các nhượng bộ của mình đối một sản phẩm đã được đưa sang Danh mục IL’. Nghị định thư này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm chế tạo trong Danh mục TEL từ ngày 31/12/1999, hoặc ngày tương ứng đối với Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam.62 Để viện dẫn các quy định của Nghị định thư này, một nước ASEAN sẽ phải nộp đơn cho Hội đồng khu vực thương mại tự do ASEAN (Hội đồng AFTA), nêu ra thời gian yêu cầu được hoãn hay tạm thời ngừng nhượng bộ thương mại, lí do của yêu cầu đó và vấn đề thực sự đang gặp phải.
Thứ ba, Danh mục nhạy cảm và nhạy cảm cao (viết tắt là ‘SL’) được các nước ASEAN đưa ra trong Nghị định thư về các thoả thuận đặc biệt đối với các sản phẩm nhạy cảm và nhạy cảm cao ký kết ngày 30/9/1999. Theo đó, các nước ASEAN-6 phải bắt đầu loại bỏ dần các sản phẩm nhạy cảm theo cơ chế CEPT từ ngày 01/01/2001 với sự linh hoạt nhất định, nhưng không được muộn hơn ngày 01/01/2003 và sẽ hoàn thành quá trình này vào ngày 01/01/2010.64 Đối với Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam, lộ trình được điều chỉnh theo ngày gia nhập ASEAN của họ.
Cuối cùng, các nước thành viên ASEAN được phép loại trừ vĩnh viễn một số sản phẩm khỏi quá trình tự do hoá bằng cách liệt kê chúng trong Danh sách ngoại lệ chung (viết tắt là ‘GEL’) nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ đạo đức xã hội, bảo vệ sức khoẻ của con người và động thực vật, bảo vệ các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học.
Thực hiện các thỏa thuận trên, từ ngày 01/01/2010, các nước ASEAN-6 đã loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,65% dòng thuế quan, trong khi các nước CLMV đã giảm được 98,86% dòng thuế quan của họ xuống còn 0-5%. Bên cạnh giảm thuế quan, các nước ASEAN còn kí kết các hiệp định khác để loại bỏ các hàng rào thương mại phi thuế quan (NTBs) và biện pháp hạn chế số lượng, hài hoà hoá biểu thuế quan, xác định trị giá tính thuế hải quan và thủ tục hải quan, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn chung về chứng nhận sản phẩm. Các điều ước này bao gồm Thoả thuận ưu đãi thương mại của ASEAN 1977, Hiệp định ASEAN về Hải quan 1997, Hiệp định khung của ASEAN về các thoả thuận công nhận lẫn nhau 1998, Hiệp định khung E-ASEAN 2000, Nghị định thư điều chỉnh việc thực thi hệ thống biểu thuế quan hài hoà hoá 2003, Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các ngành ưu tiên 2004, Hiệp định thiết lập và thực thi cơ chế một cửa ASEAN 2005. Các hiệp định này góp phần thúc đẩy tự do dịch chuyển hàng hoá trong khu vực.
2. Hiệp định ASEAN về thương mại hàng hoá (‘ATIGA’)
Nhằm đạt được mục tiêu thiết lập một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với sự tự do dịch chuyển hàng hoá trong Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí vào tháng 8/2007 về việc nâng cấp cơ chế CEPT-AFTA thành một văn kiện pháp lí toàn diện hơn. Hơn nữa, rất cần thiết phải có một điều ước mới của ASEAN để tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN khi ASEAN tích cực tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại hàng hoá (viết tắt là ‘TIGs’) với các nước đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Bởi vậy, dựa trên các hiệp định hiện hành của ASEAN như đã nêu ở phần trước, Hiệp định ASEAN về thương mại hàng hoá (viết tắt là ‘ATIGA’) đã được kí kết ngày 26/02/2009 và có hiệu lực ngày 17/5/2010.
Các điểm chính của Hiệp định này là:
- Hiệp định hợp nhất mọi sáng kiến, nghĩa vụ và cam kết hiện hành về thương mại hàng hoá trong nội khối ASEAN, bao gồm cả các quy định về thuế quan và NTBs, trong một văn kiện toàn diện duy nhất. Danh sách các hiệp định bị Hiệp định ATIGA thay thế theo Điều 91(2) của Hiệp định này, như Hiệp định CEPT và một số nghị định thư, được đưa vào Phụ lục 11 của ATIGA.
- Phụ lục 2 của Hiệp định quy định lộ trình cắt giảm thuế quan cụ thể, đầy đủ và các mức thuế quan được áp dụng cho mỗi sản phẩm trong Danh mục hài hóa thuế quan của ASEAN (AHTN) theo từng năm của các thành viên ASEAN. Hiệp định ATIGA đưa thêm một yếu tố mới so với cơ chế CEPT - điều khoản về tạm thời sửa đổi và ngừng các nhượng bộ thương mại, trong đó quy định chi tiết hướng dẫn về việc bồi thường phát sinh từ bất kì biện pháp tăng thuế nhập khẩu nào trong các cam kết hiện tại (Điều 23).
- Hiệp định còn có các điều khoản đảm bảo hiện thực hoá dòng dịch chuyển hàng hoá tự do trong ASEAN như tự do hoá thuế quan (Chương 2), quy tắc xuất xứ (Chương 3), loại bỏ các NTBs (Chương 4), xúc tiến thương mại (Chương 5), hải quan (Chương 6), quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật, các thủ tục đánh giá sự hoà hợp (Chương 7), các biện pháp vệ sinh dịch tễ (Chương 8) và các biện pháp khắc phục thương mại (Chương 9). Hiệp định ATIGA với công thức ‘tất cả trong một’ nâng cao tính minh bạch và tính dễ dự đoán của khung pháp lí của ASEAN về thương mại hàng hoá. Điều ước này cũng sẽ thúc đẩy và tăng cường hơn nữa thương mại trong nội khối ASEAN. Hiệp định đã có ý nghĩa quan trọng cho việc gia tăng hội nhập kinh tế để thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.