1. Các quy định về hàng hóa
Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí dành cho nhau MFN, theo đó các bên sẽ dành cho hàng hoá của nhau sự đối xử tương tự như hàng hoá tương tự sản xuất ở các nước khác. Ngoại lệ của nguyên tắc MFN bao gồm đối xử đặc biệt dành cho các nước trong cùng một FTA như AFTA hay NAFTA, và các thủ tục đặc biệt đối với thương mại ở biên giới. Hơn nữa, BTA yêu cầu Việt Nam và Hoa Kỳ dành NT cho hàng nhập khẩu của nhau. Hai nước có nghĩa vụ đối xử với hàng nhập khẩu của nhau không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hoá do công dân của mình sản xuất.Các bên phải loại bỏ tất cả NTBs, bao gồm cả hạn chế nhập khẩu và xuất khẩu, hạn ngạch, yêu cầu cấp phép, và kiểm soát đối với tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ, trong thời gian từ 3 đến 7 năm, tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm. Cơ quan hải quan hay cơ quan có thẩm quyền khác của các bên không được phép áp bất cứ loại phí hay phụ phí hành chính nào liên quan đến việc nhập khẩu hay xuất khẩu hàng hóa vượt quá chi phí thực của dịch vụ được tiến hành bởi cơ quan đó. Việt Nam áp thuế quan cho hàng hoá có xuất xứ từ lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ theo cam kết tại Phụ lục E của Hiệp định.
Về các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, Các bên nhất trí tham vấn nhanh chóng theo yêu cầu của bên kia, khi việc nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ lãnh thổ của bên kí kết kia, tại thời điểm hiện tại hay tương lai, gây ra hay đe dọa gây ra, hay góp phần đáng kể làm rối loạn thị trường.
Sự ‘rối loạn thị trường’ (‘Market disruptions’) xảy ra khi việc tăng nhanh lượng nhập khẩu hàng hoá tương tự của nước khác là nguyên nhân đáng kể gây ra, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành kinh tế nội địa đó. Trong trường hợp các bên không thể đưa ra biện pháp khắc phục thông qua tham vấn, Hiệp định cho phép một bên bảo hộ ngành kinh tế nội địa của mình bằng cách áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, dưới hình thức hạn chế số lượng, tăng thuế hoặc những hạn chế khác để chống lại sự ‘rối loạn thị trường’. Về giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thương nhân, BTA quy định nguyên tắc NT trong việc giải quyết tranh chấp tại các toà án và cơ quan hành chính trên lãnh thổ của các bên kí kết, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo những quy tắc đã được công nhận ở tầm quốc tế và quy định việc thực thi các phán quyết trọng tài.
2. Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (IPRs)
Chương II về IPRs của BTA được xây dựng theo mô hình của Hiệp định TRIPS của WTO, theo đó yêu cầu các bên tuân thủ những quy định cơ bản của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngoài ra, các bên cũng phải tuân thủ những quy định kinh tế cơ bản của Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống lại sự sao chép trái phép, Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới (Công ước UPOV) và Công ước liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (Công ước Brussels). BTA quy định NT trong việc việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi IPRs, trừ một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, khác với Hiệp định TRIPS, BTA không yêu cầu các bên áp dụng MFN cho các nghĩa vụ trong chương này. Chương II quy định những tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc bảo hộ và thực thi IPRs, bao gồm quyền tác giả và các quyền liên quan, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật (bí mật thương mại) và kiểu dáng công nghiệp. Chương này cũng yêu cầu có các biện pháp bảo đảm thực thi để đưa ra các chế tài kịp thời nhằm ngăn chặn vi phạm, và các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa các vi phạm có thể tái diễn trong tương lai.