Phạt vi phạm hợp đồng là một trong các hình thức trách nhiệm pháp lý được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đây không phải là một điều khoản bắt buộc đối với mọi hợp đồng nói chung, cũng không phải là một chế tài có thể được áp dụng theo quy định pháp luật. Thay vào đó, để có thể thực hiện được việc phạt vi phạm hợp đồng thì tại thời điểm ký kết hoặc khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng các bên phải thỏa thuận về điều này.
1. Căn cứ và điều kiện áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng:
- Căn cứ pháp lý: hiện nay chế tài này được quy định trong 02 văn bản pháp luật: Bộ luật dân sự 2015 (Điều 418) và Luật Thương mại 2005 (Điều 300, Điều 301). Về cơ bản, quy định về chế tài phạt vi phạm trong 02 văn bản này tương đối giống nhau, chỉ khác ở quy định về mức phạt vi phạm cụ thể.
Điều 418 BLDS 2015 quy định, thỏa thuận phạt vi phạm là “sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên vị vi phạm”
Điều 300 Luật thương mại 2005 quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ trường hợp hành vi này thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 294 của Luật này”.
- Điều kiện áp dụng:
+ Điều kiện 1: phải tồn tại sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc một bên được yêu cầu bên kia trả một khoản tiền do vi phạm hợp đồng.
+ Điều kiện 2: đã xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là điều kiện để áp dụng chế tài phạt vi phạm. BLDS 2015 và Luật thương mại 2005 không bắt buộc các bên phải thỏa thuận cụ thể hành vi vi phạm nghĩa vụ nào mới là căn cứ áp dụng chế tại phạt vi phạm. Do vậy, bất cứ một hành vi vi phạm nghĩa vụ nào cũng đều có thể được coi là điều kiện áp dụng chế tài này.
+ Điều kiện 3: Hành vi vi phạm nghĩa vụ không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 294 Luật thương mại 2005. Đó là các trường hợp: (i) xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; (ii) xảy ra sự kiện bất khả kháng; (iii) hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Lưu ý khi thực hiện chế tài phạt vi phạm hợp đồng:
- Về mức phạt vi phạm hợp đồng:
Điều 301 Luật thương mại 2005 quy định: “mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.
Như vậy, mặc dù việc lựa chọn chế tài phạt vi phạm phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, nhưng các bên lại không được quyền tự do hoàn toàn trong việc quyết định mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại mà chỉ được định đoạt mức phạt này trong giới hạn do pháp luật quy định.
Kể cả trong trường hợp các bên không nêu rõ mức phạt là bao nhiêu thì khi giải quyết tranh chấp, Trọng tài/Tòa án cũng chỉ được yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt tương ứng 8% hoặc thấp hơn 8%.