Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Đấu giá đất sai quy định sẽ xử lý như thế nào?

Để đảm bảo cho hoạt động đấu thầu đất được diễn ra thuận lợi và công bằng, pháp luật đấu thầu đã có những quy định về xử lý vi phạm khi đấu thầu đất không đúng quy định như sau:

Căn cứ theo quy định tại Chương VI Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đấu giá tài sản như sau:

1. Đối với đấu giá viên

1.1. Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá hoặc lập hồ sơ khống hoặc lập hồ sơ giả tham gia đấu giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hình thức xử phạt chính: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 09 tháng đến 12 tháng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công hoặc hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công khi người tham gia đấu giá trong danh sách khống, hồ sơ khống, hồ sơ giả là người trúng đấu giá hoặc trong trường hợp làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

1.2. Công bố không đúng người trúng đấu giá; Công bố không đúng giá do người tham gia đấu giá trả.

- Phạt tiền: Từ 15 triệu đến 20 triệu đồng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công hoặc hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công (đối với trường hợp công bố không đúng giá do người tham gia đấu giá trả); Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

1.3. Không truất quyền tham dự cuộc đấu giá khi người tham gia đấu giá có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

- Phạt tiền: Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng;

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 03 tháng đến 06 tháng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

1.4. Không đeo thẻ đấu giá viên khi điều hành cuộc đấu giá tài sản.

- Phạt tiền: Từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

2. Đối với người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan

2.1. Đấu giá đối với tài sản chưa được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền: Từ 20 triệu đến 30 triệu đồng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công hoặc hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2.2. Không bán đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

- Phạt tiền: Từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

2.3. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

- Phạt tiền: Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2.4. Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; Không thông báo công khai hoặc thông báo không đúng quy định trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

- Phạt tiền: Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.

3. Đối với tổ chức đấu giá tài sản

3.1. Thực hiện đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá không đúng quy định; Đấu giá theo thủ tục rút gọn không đúng quy định.

- Phạt tiền: Từ 30 triệu đến 40 triệu đồng;

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc từ 03 tháng đến 06 tháng;

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (đối với việc thực hiện đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá không đúng quy định).

3.2. Đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá theo quy định; Thực hiện không đúng quy định về việc xem tài sản đấu giá.

- Phạt tiền: Từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

3.3. Không lập, quản lý, sử dụng sổ theo quy định; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.

- Phạt tiền: Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.

3.4. Quy định hình thức đấu giá trong quy chế cuộc đấu giá mà không có thỏa thuận với người có tài sản.

- Phạt tiền: Từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản sẽ bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn