Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC theo Luật Đầu tư 2020

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. Hình thức hợp tác này mang lại một số thuận lợi cho nhà đầu tư như: Tiết kiệm thời gian và chi phí do không phải làm hình thức để thành lập tổ chức kinh doanh; giúp các nhà đầu tư khác khắc phục những thiếu hụt trong quá trình hoạt động; thực hiện hợp đồng với năng lực pháp lý cá nhân, độc lập và linh hoạt… Loại hợp đồng này được quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020 cụ thể như sau:

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này;

- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Như vậy, có thể thấy, mọi tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, thuộc sở hữu Nhà nước hay sở hữu tư nhân đều có thể trở thành chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.

Về hình thức, hợp đồng BCC phải bằng văn bản trong trường hợp dự án đầu tư bằng hợp đồng BCC phải làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư. Còn hợp đồng BCC không phải làm thủ tục đăng đăng ký đầu tư thì có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng BCC được quy định tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Việc thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC mang lại rất nhiều ưu điểm cho các nhà đầu tư. Hợp đồng BCC không yêu cầu phải thành lập pháp nhân được xem là ưu điểm nổi bật đối với các nhà đầu tư. Nhà đầu tư và đối tác có thể thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ thông qua hợp đồng với tư cách là nhà đầu tư độc lập mà không bị ràng buộc bởi một pháp nhân chung. Nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc thành lập và vận hành một pháp nhân mới. Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC cũng là một trong những lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào một thị trường mới nhưng vẫn nhanh chóng tiếp cận được thông tin dưới sự am hiểu về thị trường thông qua những đối tác trong nước.

Mặc dù hợp đồng BCC có một số điểm mạnh như đã đề cập ở trên, nhưng cũng có một số điểm hạn chế của hợp đồng này mà nhà đầu tư cần lưu ý:

- Việc không thành lập tổ chức kinh tế cũng tồn tại một số hạn chế như không có con dấu chung. Ở Việt Nam, trong một số trường hợp, việc sử dụng con dấu là bắt buộc nên các bên phải thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên nào đó, từ đó phát sinh thêm trách nhiệm đối với bên đó trong hợp đồng.

- Hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC nên khá dễ thực hiện, phù hợp với các dự án ngắn hạn. Các dự án dài hạn, phức tạp là không thích hợp do yêu cầu quản lý lẫn nhau và phức tạp của các hoạt động kinh doanh.

- Việc thực hiện những hợp đồng, giao dịch bên lề nhằm phục vụ cho Hợp đồng BCC cũng sẽ gây phân vân cho bên thứ ba khi không tồn tại một đại diện – một công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư. Trong khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các bên đối tác khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba.


Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn