Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Hiệu Lực của Đơn Từ Chức HĐQT trong Công Ty Cổ Phần tại Việt Nam

Từ tháng 1 năm 2021, theo Luật Doanh Nghiệp 2020, nếu một thành viên Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) nộp đơn xin từ chức thành viên HĐQT công ty cổ phần (CTCP), người đó không được thôi làm thành viên HĐQT cho đến khi được chấp thuận bởi Đại Hội Đồng Cổ Đông (ĐHĐCĐ) của CTCP có liên quan. Để hạn chế các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh từ quy định này, một CTCP có thể xem xét quy định rằng ĐHĐCĐ phải miễn nhiệm một thành viên HĐQT khi người đó nộp đơn xin từ chức. Ngoài ra, thành viên HĐQT từ chức nên ủy quyền cho một người khác thích hợp cho đến khi thành viên đó chính thức bị miễn nhiệm.

Điều 160.1(b) Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rằng "Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị" nếu "có đơn từ chức và được chấp thuận". Trong khi đó, Luật Doanh Nghiệp 2014 trước đây quy định rằng "Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm" nếu "có đơn từ chức". Điều này gợi ý rằng thành viên HĐQT có thể thôi làm thành viên HĐQT ngay lập tức khi nộp đơn từ chức. Điều 26.4 của điều lệ mẫu đối với CTCP đại chúng ban hành theo Thông Tư 116/2020 của Bộ Tài Chính dường như xác nhận cách hiểu trên đối với Điều 160.1(b) Luật Doanh Nghiệp khi quy định rằng: "Thành viên Hội đồng quản trị không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp bị Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế theo quy định tại Điều 160 Luật Doanh nghiệp".

Cách tiếp cận theo Luật Doanh Nghiệp 2020 không phải là không có vấn đề. Sẽ là bất thường nếu luật “buộc” một người làm một công việc mà họ không còn muốn làm nữa. Điều này có thể gây bất lợi cho cả thành viên HĐQT muốn từ chức và CTCP nơi mà thành viên đó làm việc. Để giảm thiểu vấn đề này, điều lệ của CTCP có thể quy định rằng ĐHĐCĐ phải bãi nhiệm thành viên HĐQT nếu người đó có đơn từ chức.

Tuy nhiên, ngay cả khi phương án này được áp dụng, vẫn còn hai vấn đề khác:

· Luật Doanh Nghiệp 2020 yêu cầu ĐHĐCĐ miễn nhiệm thành viên HĐQT đã nộp đơn từ chức “được chấp thuận” mà không quy định rõ ai sẽ là người thông qua đơn từ chức trước khi quyết định miễn nhiệm được ban hành. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, các cổ đông có thể phải thông qua đơn từ chức trước khi miễn nhiệm thành viên HĐQT đó.

· Thông thường, ĐHĐCĐ sẽ cần thời gian để có thể ban hành ra một nghị quyết. Theo đó, thành viên HĐQT từ chức vẫn có tư cách thành viên HĐQT kể từ ngày có đơn từ chức cho đến khi ĐHĐCĐ miễn nhiệm thành viên đó. Một CTCP có thể không muốn thành viên HĐQT từ chức tiếp tục tham gia vào công việc kinh doanh của mình trong giai đoạn chuyển đổi đó. Thời gian chuyển đổi có thể kéo dài, đặc biệt là trong trường hợp của một CTCP đại chúng. Do đó, để giảm thiểu vấn đề này, CTCP (hoặc cổ đông mới có liên quan) có thể cân nhắc yêu cầu thành viên HĐQT đang từ chức ủy quyền cho một người khác thích hợp làm đại diện cho thành viên HĐQT đó trong giai đoạn chuyển đổi. Việc ủy quyền như vậy sẽ có hiệu lực nếu được sự chấp thuận của đa số thành viên HĐQT.

Nguồn: https://vietnam-business-law.info/blog-lut-kinh-doanh/2024/3/2/hiu-lc-ca-n-t-chc-hqt-trong-cng-ty-c-phn-ti-vit-nam

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn