Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Huy động vốn hoạt động của công ty tài chính tổng hợp (phần 1)

1. Theo luật, công ty tài chính tổng hợp được định nghĩa là công ty tài chính được thực hiện các hoạt động quy định tại Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010. Theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010, công ty tài chính được phép huy động vốn hoạt động dưới các hình thức sau đây với điều kiện là các hình thức huy động vốn đó được quy định rõ trong giấy phép thành lập và hoạt động của công ty tài chính:

· Nhận tiền gửi từ các tổ chức;

· Phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu và trái phiếu (các giấy tờ có giá) để huy động vốn từ các tổ chức; và

· Vay vốn từ các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật; và vay vốn từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) theo hình thức tái cấp vốn.

2. Trừ trường hợp nêu tại mục 5, trong mọi trường hợp khác, công ty tài chính chỉ được huy động vốn từ các tổ chức. Ngoài ra còn có một số các hạn chế áp dụng cho công ty tài chính liên quan đến việc huy động vốn này, bao gồm:

· các quỹ đầu tư không thể gửi tiền tại công ty tài chính mà chỉ có thể mua các giấy tờ có giá do công ty tài chính phát hành (Thông tư 98 của Bộ Tài Chính ngày 16 tháng 11 năm 2020 (Thông Tư 98/2020));

· thời hạn gửi tiền của các tổ chức tín dụng khác tại công ty tài chính không được quá 3 tháng (Điều 28.3 Thông Tư 21 của NHNN ngày 18 tháng 6 năm 2012, như được sửa đổi (Thông Tư 21/2012));

· thời hạn của chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu và tín phiếu do các tổ chức tín dụng hoặc một chi nhánh ngân hàng nước ngoài nắm giữ phải dưới 12 tháng (Điều 4.4 Thông Tư 01 của NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2021 (Thông Tư 01/2021));

· các khoản vay của công ty tài chính từ các tổ chức tín dụng trong nước phải có thời hạn dưới một năm và được sử dụng để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả và kinh doanh vốn trên cơ sở cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho công ty tài chính (Điều 9 Thông Ty 21/2012);

· các công ty chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư chứng khoán trong nước không được cho công ty tài chính vay vì (i) các khoản vay do công ty chứng khoán cấp chỉ được sử dụng cho mục đích kinh doanh chứng khoán trong khi công ty tài chính không được thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, và (ii) các quỹ đầu tư chứng khoán không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ để cho vay (Điều 86.1 Luật Chứng Khoán 2019, Điều 27 Thông Tư 121 của Bộ Tài Chính ngày 31 tháng 12 năm 2020, và Thông Tư 98/2020);

· công ty quản lý quỹ không được sử dụng vốn của mình để cho các tổ chức khác vay (bao gồm cả công ty tài chính) dưới bất kỳ hình thức nào nhưng có thể sử dụng tài sản ủy thác để cho vay nếu khách hàng ủy thác là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và đã chấp thuận cho phép công ty quản lý quỹ thực hiện việc cho vay; hoặc khách hàng ủy thác là chủ sở hữu tài sản ủy thác (Điều 10.21(c) Thông Tư 99 của Bộ Tài Chính ngày 16 tháng 11 năm 2020);

· mặc dù Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2000 có quy định rằng doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể thực hiện hoạt động cho vay, tuy nhiên do chưa có các quy định hướng dẫn chi tiết về quyền cho vay này nên không rõ việc cho vay của của các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể thực hiện trên thực tế hay không; và

luật có quy định các mức lãi suất trần đối với tiền gửi hoặc Giấy Tờ Có Giá có kỳ hạn dưới sáu tháng do công ty tài chính phát hành. Ví dụ, mức lãi suất tối đa hiện hành áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức (bao gồm cả Giấy Tờ Có Giá) (ngoại trừ các tổ chức tín dụng) là 0,2%/năm tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng, và 4%/năm cho các khoản tiền gửi với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (Điều 1.1 Quyết Định 1729 của NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020). Lãi suất áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng USD là 0% (Điều 1 Quyết Định 2589 của NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2015).

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn