3. Nếu công ty mẹ của công ty tài chính là một ngân hàng cổ phần đại chúng thì ngân hàng mẹ vẫn có thể cho công ty tài chính vay vốn phụ thuộc vào một số điều kiện. Ví dụ:
· khoản vay được cấp cho công ty tài chính phải có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm không được là cổ phiếu của công ty tài chính hoặc của bên cho vay đó (Điều 126.5 và 127.1(e) Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010);
· khoản vay được cấp cho công ty tài chính không được sử dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu (Điều 11.2(dd) và Điều 12.2(e) Thông tư 22 của NHNN ngày 15 tháng 11 năm 2019); và
· tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với công ty tài chính không được vượt quá 10% vốn tự có của bên cho vay (Điều 127.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010).
4. Khi phát hành các giấy tờ có giá là trái phiếu, công ty tài chính phải đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu và các thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc chào bán trái phiếu công khai theo Luật Chứng Khoán 2019.
5. Theo Thông Tư 30 của NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2014, như được sửa đổi (Thông Tư 30/2014), phụ thuộc vào phạm vi hoạt động quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động của công ty tài chính, công ty tài chính có quyền nhận vốn ủy thác của các cá nhân hoặc tổ chức để đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh, cho vay hoặc cho thuê tài chính, tùy từng trường hợp.
· Về mặt ngữ nghĩa, hoạt động ủy thác không phải là một hình thức huy động vốn nhưng hoạt động kinh doanh này cho phép công ty tài chính nhận tiền từ các cá nhân (là những người sẵn sàng tham gia giao dịch).
Tuy nhiên, mặc dù pháp luật không hoàn toàn rõ ràng, trên thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước có quan điểm rằng một tổ chức tín dụng như công ty tài chính không thể nhận ủy thác vốn từ các doanh nghiệp hoặc các cá nhân để cho vay vì theo NHNN, cho vay là hoạt động kinh doanh mà chỉ các tổ chức tín dụng được phép thực hiện. Các doanh nghiệp khác hoặc các cá nhân không được thực hiện hoạt động kinh doanh này.