Theo luật, doanh nghiệp có hoạt động trong một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt nhất định (ví dụ, dịch vụ cho thuê lại lao động, dịch vụ việc làm, v.v.) (Doanh Nghiệp Ký Quỹ) được yêu cầu phải ký quỹ tại một ngân hàng được cấp phép tại Việt Nam (Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ) trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh đó (Khoản Ký Quỹ). Khoản Ký Quỹ được quy định chặt chẽ bởi quy định pháp luật (ví dụ, Khoản Ký Quỹ chỉ được rút hoặc giải ngân trong các trường hợp nhất định khi được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước). Khoản Ký Quỹ có thể có thời hạn dài (ví dụ, trên một năm), tuy nhiên, pháp luật không hoàn toàn rõ ràng rằng liệu Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ có thể thiết lập Khoản Ký Quỹ thành tiền gửi có kỳ hạn và áp dụng lãi suất có kỳ hạn tương ứng không.
Lập luận ủng hộ
1. Mặc dù có những phản biện như được thảo luận dưới đây, có thể lập luận hợp lý rằng Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ có thể áp dụng lãi suất có kỳ hạn đối với Khoản Ký Quỹ nếu các bên đồng ý thiết lập Khoản Ký Quỹ thành tiền gửi có kỳ hạn. Lý do là bởi:
a) Theo pháp luật, tiền gửi có thể bao gồm, trong các hình thức tiền gửi khác, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn.[1] Tiền gửi có kỳ hạn được định nghĩa là khoản tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng với nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho khách hàng.[2]
b) Theo Điều 330.1 Bộ Luật Dân Sự 2015,[3] ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Do đó, Khoản Ký Quỹ có thể được coi là tiền gửi. Tuy nhiên, để áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đối với Khoản Ký Quỹ, thời hạn gửi tiền của Khoản Ký Quỹ phải được xác định (ví dụ, dưới 1 tháng, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên).
Quy định pháp luật về Khoản Ký Quỹ không có quy định cụ thể về thời hạn gửi tiền đối với Khoản Ký Quỹ mà chỉ liệt kê các trường hợp mà Khoản Ký Quỹ có thể được rút. Mặc dù vậy, những quy định này vẫn cho phép Doanh Nghiệp Ký Quỹ có quyền hưởng lãi suất đối với Khoản Ký Quỹ theo thỏa thuận với Ngân Hàng Nhân Ký Quỹ.
Có thể lập luận rằng các bên có thể thỏa thuận đặt một thời hạn nhất định đối với Khoản Ký Quỹ và áp dụng mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tương ứng, với điều kiện là Doanh Nghiệp Ký Quỹ và Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ tuân thủ theo quy định pháp luật về các hạn chế của Khoản Ký Quỹ (ví dụ, việc rút Khoản Ký Quỹ chỉ được cho phép trong một số trường hợp được quy định bởi luật và cùng với sự chấp thuận của cơ quan nhà nước).
c) Điều 1.2 Thông Tư 04/2022[4] cũng quy định rằng “đối với khoản tiền ký quỹ được gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi được thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...” Điều khoản này khẳng định rằng Khoản Ký Quỹ có thể được gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn.
d) Mặc dù không hoàn toàn rõ ràng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cũng có quan điểm rằng quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn theo Thông Tư 49/2018 có thể được áp dụng cho Khoản Ký Quỹ.[5]
Lập luận phản biện
2. Cũng vẫn có lập luận cho rằng việc áp dụng kỳ hạn cụ thể đối với Khoản Ký Quỹ không được cho phép bởi vì:
a) theo luật, Khoản Ký Quỹ có thể được rút trong một số sự kiện pháp lý nhất định (ví dụ, khi ngành nghề kinh doanh bị thu hồi giấy phép, gặp khó khăn, hoặc không đủ khả năng bồi thường cho người lao động). Do đó, Khoản Ký Quỹ có thể được rút tại bất kỳ thời điểm nào nếu có xảy ra sự kiện được quy định bởi luật, và theo đó, thời hạn của Khoản Ký Quỹ không thể được xác định. Vì vậy, Khoản Ký Quỹ không thể được coi là tiền gửi có kỳ hạn; và
b) việc Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ chuyển Khoản Ký Quỹ từ tài khoản ký quỹ vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn không thuộc trường hợp được rút Khoản Ký Quỹ quy định bởi luật nên việc rút và chuyển thành tiền gửi có kỳ hạn này không tuân thủ quy định pháp luật về ký quỹ.
Đánh giá rủi ro
3. Rủi ro nêu tại 2 trên đây thấp bởi:
a) Luật không cấm các bên thỏa thuận kỳ hạn cụ thể đối với khoản ký quỹ trong thời hạn mà Khoản Ký Quỹ được tạm khóa bởi ngân hàng và không yêu cầu Ngân Hàng Nhận Ký Quỹ phải giữ Khoản Ký Quỹ trong một tài khoản cố định. Do đó, miễn là ngân hàng có thể bảo đảm Khoản Ký Quỹ vẫn được tạm khóa sau khi chuyển thành tiền gửi có kỳ hạn và quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn vẫn được tuân thủ.
b) Rủi ro của việc Khoản Ký Quỹ bị rút tại bất kỳ thời điểm nào khi xảy ra các trường hợp được quy định bởi luật cũng tương tự với rủi ro của các khoản tiền gửi có kỳ hạn khác nếu khách hàng có nhu cầu rút quỹ. Trong trường hợp này, Thông Tư 04/2022 cũng quy định rõ về lãi suất rút trước hạn tiền gửi (xem 1.3).
c) Thỏa thuận về kỳ hạn của Khoản Ký Quỹ không gây cản trở đến việc Doanh Nghiệp Ký Quỹ hoàn thành nghĩa vụ có liên quan đến Khoản Ký Quỹ này (ví dụ, rút quỹ trước hạn để thực hiện nghĩa vụ bồi thường).
d) Các trường hợp rút Khoản Ký Quỹ theo quy định của luật đề cập đến các trường hợp mà Khoản Ký Quỹ được rút để Doanh Nghiệp Ký Quỹ sử dụng, và quy định này không áp dụng đối với các trường hợp ngân hàng thực hiện giao dịch để đặt tiền gửi có kỳ hạn đối với Khoản Ký Quỹ.
[1] Điều 4.13 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng của Quốc Hội ngày 16 tháng 6 năm 2010, như được sửa đổi (Luật các TCTD 2010); và Điều 1.3 Thông Tư 07 của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) ngày 17 tháng 3 năm 2014 quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (Thông Tư 07/2014).
[2] Điều 4.1 Thông Tư 49 của NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 quy định tiền gửi có kỳ hạn (Thông Tư 49/2018).
[3] Bộ Luật Dân Sự của Quốc Hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (Bộ Luật Dân Sự 2015).
[4] Thông Tư 04 của NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông Tư 04/2022).
[5] https://chinhsachonline.chinhphu.vn/tien-gui-ky-quy-co-duoc-rut-truoc-han-62122.htm.