Theo quan điểm thứ nhất, logistics là một bộ phận chức năng trực thuộc một doanh nghiệp quản lí dòng dịch chuyển và bảo quản một số đối tượng bắt đầu từ người cung ứng trực tiếp và kết thúc ở người tiêu dùng trực tiếp của doanh nghiệp đó. Một số đối tượng của dòng logistics bao gồm: Sản phẩm vật chất; Sản phẩm vật chất và thông tin; Sản phẩm vật chất và dịch vụ; Hàng hoá, dịch vụ và con người; Hàng hoá, dịch vụ và thông tin liên quan. Nói một cách đơn giản, theo quan điểm này, dòng logistics bắt đầu từ người cung ứng trực tiếp đến người tiêu dùng trực tiếp, và đó có thể là dòng hàng hoá, dịch vụ, thông tin liên quan và đôi khi là cả con người.
Theo quan điểm thứ hai, logistics có phạm vi rộng hơn, trải dài cả kênh marketing hay chuỗi cung ứng chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi từ người cung ứng trực tiếp đến người tiêu dùng trực tiếp. Theo Bowersox, quan điểm này là sự phát triển quan trọng nhất trong tư duy logistics. Chính vì vậy, Waters và Ballou coi khái niệm logistics và quản lí chuỗi cung ứng là giống nhau.
Tuy nhiên, theo Hội đồng các nhà quản lí chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (Council of Supply Chain Management Professionals) và Mentzer, quản lí chuỗi cung ứng khác với logistics. Quản lí chuỗi cung ứng là việc quản lí dòng hàng hoá, dịch vụ, thông tin và tài chính cũng như các quá trình có liên quan đến các dòng này, ví dụ: mua bán, sản xuất, tiếp thị, dịch vụ sau bán hàng, nhân sự và hệ thống thông tin trong chuỗi cung ứng. Như vậy, quản lí chuỗi cung ứng là khái niệm rộng hơn logistics rất nhiều, cả về nội hàm lẫn phạm vi. Quản lí chuỗi cung ứng bao gồm cả những yếu tố không có trong khái niệm logistics, ví dụ: các quá trình và thông tin không liên quan đến việc dịch chuyển và bảo quản hàng hoá và dịch vụ. Thêm nữa, quản lí chuỗi cung ứng trải dài cả chuỗi cung ứng41 chứ không chỉ giữa người cung ứng trực tiếp và khách hàng trực tiếp của một doanh nghiệp nào đó. Vì vậy, Hội đồng các quản lí chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (Council of Supply Chain Management Professionals (2011) coi logistics là một bộ phận của quản lí chuỗi cung ứng.
Tuy Hội đồng các nhà quản lí chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (Council of Supply Chain Management Professionals) và Mentzer đã phân biệt rõ ràng hai khái niệm quản lí chuỗi cung ứng và logistics, nhưng vì logistics tương tác chặt chẽ với khái niệm quản lí chuỗi cung ứng (ví dụ: sản xuất, tiếp thị và kế toán), nên trên thực tế vẫn có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Ví dụ, rất khó có thể phân biệt rạch ròi thông tin logistics (là các thông tiên liên quan đến sự dịch chuyển, bảo quản hàng hoá và dịch vụ) với các thông tin khác. Thêm nữa, việc phân biệt trách nhiệm của bộ phận logistics và bộ phận sản xuất trong việc quản lí dòng nguyên liệu và bán thành phẩm trong quá trình sản xuất cũng không hề đơn giản. Vì vậy, Arlbjorn và Halldorsson đã đưa ra một cách định nghĩa logistics khác, trong đó sử dụng khái niệm ‘hạt nhân’ và ‘vành đai bảo vệ’ của Lakatos. Thuật ngữ ‘hạt nhân’ dùng để mô tả bản chất của vấn đề nào đó và bản chất này không thay đổi trong khi ‘vành đai bảo vệ’ bao gồm tất cả những gì có thể giúp hiểu thêm về ‘hạt nhân’. Hạt nhân của logistics ‘hướng tới dòng nguyên liệu, thông tin và dịch vụ, theo chiều dọc hoặc chiều ngang của chuỗi giá trị (hay còn gọi là chuỗi cung ứng), nhằm liên kết các dòng này và có nền tảng là tư duy hệ thống (cách nhìn tổng thể), và đơn vị phân tích là dòng’. ‘Vành đai bảo vệ’ của logistics có thể mở rộng, dường như là không có giới hạn, bao gồm tất cả mọi thứ có liên quan đến logistics. Ví dụ, đó có thể là vấn đề về động lực (một khái niệm trong học thuyết về tổ chức), nếu khái niệm này được áp dụng trong logistics. Điều đó có nghĩa là ‘vành đai bảo vệ’ của logistics có thể vô cùng lớn.
Trong bài viết này, định nghĩa logistics của Hội đồng các nhà quản lí chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (Council of Supply Chain Management Professionals) được sử dụng, theo đó: Quản lí logistics là một bộ phận của quản lí chuỗi cung ứng, có chức năng lên kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả việc dịch chuyển (xuôi hoặc ngược) và bảo quản hàng hoá, dịch vụ và thông tin có liên quan từ điểm bắt đầu đến điểm tiêu dùng thoả mãn yêu cầu của khách hàng.