Theo danh sách được công bố mới đây của Bộ Tài chính, hiện vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp đại chúng vẫn chưa chịu lên sàn. Đứng trước bài toán niêm yết trên sàn chứng khoán, không ít doanh nghiệp băn khoăn và và đặt câu hỏi: Niêm yết hay không niêm yết và doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để niêm yết thành công? Việc niêm yết hay không niêm yết luôn là bài toán khó mà mỗi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi điều này chứa đựng cả cơ hội lẫn thách thức đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm sự minh bạch cho thị trường chứng khoán, và hội nhập theo xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp cần trở thành công ty niêm yết. Vậy khi trở thành công ty niêm yết, doanh nghiệp sẽ có những lợi thế gì, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm một số thông tin để giải đáp về vấn đề này.
Thế nào là công ty niêm yết?
Công ty niêm yết là một công ty công cộng mà trong đó cổ phiếu được phép mua bán trên các thị trường chứng khoán. Đây được xem là một hình thức phát triển cao nhất của một công ty. Bởi sau khi đã trở thành công ty niêm yết, tức sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.
Căn cứ theo Khoản 17 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006 quy định: “Niêm yết chứng khoán là việc đưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán.”
Lợi ích của doanh nghiệp khi trở thành công ty niêm yết
Để được trở thành công ty niêm yết thì các doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện của luật chứng khoán. Do đó, điều này chứng tỏ khi đã được niêm yết thì các công ty sẽ có rất nhiều lợi thế so với những công ty chưa được niêm yết như sau:
Thứ nhất, tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn
Khi tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách này, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình. Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nâng cao tính thanh khoản cho chứng khoán
Khi chứng khoán được niêm yết có thể được nâng cao tính thanh khoản, mở rộng phạm vi chấp nhận làm vật thế chấp và dễ dàng được sử dụng phục vụ cho các mục đích về tài chính, thừa kế và các mục đích khác. Hơn nữa chứng khoán được niêm yết có thể được mua với một số lượng rất nhỏ, do đó các nhà đầu tư có vốn nhỏ vẫn có thể dễ dàng trở thành cổ đông của công ty.
Thứ ba, ưu đãi về thuế
Thông thường ở các thị trường chứng khoán mới nổi, công ty tham gia niêm yết được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế trong hoạt động kinh doanh như: miễn, giảm thuế thu nhập trong một số năm nhất định.
Thứ tư, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp
Công ty đã được niêm yết thì công ty buộc phải tổ chức và vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp một cách bài bản và chịu sự giám sát của thị trường hay từ các cổ đông và các cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty niêm yết phải công bố các thông tin theo quy định của luật chứng khoán về tình hình quản trị công ty, tương tự với việc tuân thủ đầy đủ về trình tự thủ tục tổ chức đại hội cổ đông…
Ngoài ra, các cổ phiếu của công ty sẽ được đăng ký lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, điều này chứng tỏ được ghi nhận quyền sở hữu chắc chắn hơn nhiều cho cổ đông so với các công ty chưa được niêm yết cổ phần. Điều này giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho các cổ đông của công ty.
Thứ năm, quảng bá thương hiệu, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp
Để được niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất – kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức… Do đó, những công ty được niêm yết trên thị trường thường là những công ty có hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt. Việc chào bán cổ phần sẽ có tác động lớn về mặt thông tin, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp ra công chúng. Điều này tạo tiền đề thuận lợi trong việc hợp tác kinh doanh với các đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh, phát triển sản phẩm và dịch vụ với các công ty niêm yết trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ sáu, thuận lợi hơn trong các hoạt động mua bán, sáp nhập
Một công ty niêm yết sẽ có thuận lợi lớn trong các hoạt động mua bán và sáp nhập với các đối tác trong và ngoài nước. Quá trình và thủ tục đơn giản hơn, việc định giá cũng sẽ tối hưu hơn do tính minh bạch và lịch sử diễn biến trên thị trường.