Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 có nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Dưới đây là một số nội dung chính về xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung năm 2020.
1. Giải thích từ ngữ “tái phạm”
Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi như sau:
“5. Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.”
Theo đó, phần giải thích từ ngữ đối với “tái phạm” theo hướng tách bạch giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đồng thời bỏ quy định tính thời hạn tái phạm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
2. Về những hành vi bị nghiêm cấm
Luật sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính. Như vậy, theo luật sửa đổi năm 2020, việc xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng và xác định mức xử phạt không đúng được xem là hành vị bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính
Ngoài ra, Luật sửa đổi năm 2020 còn bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Không theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
Luật sửa đổi năm 2020 đã tăng mức phạt tối đa trong nhiều lĩnh vực như:
- Lĩnh vực giao thông đường bộ từ mức tối đa 40 triệu đồng được nâng lên 75 triệu đồng;
- Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu đồng nâng lên 75 triệu đồng;
- Lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng nâng lên 250 triệu đồng;
- Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng nâng lên 500 triệu đồng;
Đồng thời, bổ sung thêm mức phạt tối đa cho nhiều lĩnh vực trước đây chưa từng quy định như xử phạt hành chính lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, tín ngưỡng, đối ngoại, in, an toàn thông tin mạng…
Điều này cho thấy tính răn đe mạnh hơn trong xử phạt vi phạm hành chính một số lĩnh vực quan trọng.
4. Về giao quyền xử phạt
Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 quy định người có thẩm quyền xử phạt có quyền giao quyền cho cấp phó và việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định (trước đây chỉ quy định bằng văn bản); bổ sung quy định đồng thời với việc giao quyền xử phạt thì giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính.
Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.
5. Về lập biên bản vi phạm hành chính
Luật vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 đã quy định cụ thể địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính là phải nơi xảy ra vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trước đây, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định lập biên bản ở đâu, đến khi Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP trong phần biểu mẫu biên bản vi phạm hành chính có hướng dẫn cách ghi biên bản là ở nơi xảy ra vi phạm hoặc trụ sở làm việc.
Bổ sung quy định về sửa chữa sai sót biên bản vi phạm hành chính: Luật năm 2020 bổ sung quy định: Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì tiến hành xác minh tình tiết vi phạm.
Bổ sung quy định biên bản vi phạm hành chính là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.
6. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 là ngày, bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết nên thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người xử phạt nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi theo hướng từ tính ngày sang ngày làm việc và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ
7. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định cụ thể thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định,quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.
Trước đây Luật 2012 quy định chỉ vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. So với quy định Luật 2012 thì Luật 2020 quy định tất cả trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả vẫn phải thi hành.
8. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định chỉ cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên mới được hoãn, tổ chức không được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Luật sửa đổi 2020 đã sửa đổi, bổ sung thêm tổ chức được hoãn tiền phạt như sau:
- Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000đ trở lên (giảm 1 triệu so với Luật 2012); tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000đ trở lên;
- Bổ sung trường hợp cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
- Đối với tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
9. Giảm, miễn tiền phạt
Về giảm, miễn tiền phạt thì bên cạnh cá nhân, Luật 2020 bổ sung thêm đối tượng miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính là tổ chức. Quy định cụ thể các trường hợp cá nhân, tổ chức được miễn toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền xem xét giảm, miễn tiền phạt: Luật 2012 quy định cấp trên của người có thẩm quyền xử phạt quyết định miễn, giảm tiền phạt. Luật 2020 quy định người ra quyết định xử phạt quyết định việc miễn, giảm tiền phạt.