Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động 2019 (phần 2)

Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương

Điều 58 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP đưa ra các loại thời giờ mới được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. Cụ thể,

· Thời giờ người học nghề, người tập nghề trực tiếp thực hiện hoặc tham gia thực hiện công việc;

· Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của mình;

· Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu được người sử dụng lao động bố trí hoặc yêu cầu; và

· Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự nếu người lao động được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

Sự đồng ý của người lao động về làm thêm giờ

Trừ những trường hợp đặc biệt do Bộ luật Lao động 2019 quy định, khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động về (1) thời gian làm thêm, (2) địa điểm làm thêm và (3) công việc làm thêm.

Các trường hợp được phép làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ [trong một năm]

Ngoài các trường hợp được quy định theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động còn được tổ chức làm thêm giờ trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong các trường hợp sau đây:

· Công việc cấp bách, không thể trì hoãn do các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động 2019;

· Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục và giáo dục nghề nghiệp; và

· Công việc sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp có thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.

Tiền lương phải trả khi nghỉ phép hằng năm

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hàng năm hiện nay là tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động của người lao động của tháng trước tháng liền kề mà người lao động bị mất việc làm hoặc thôi việc. Quy định mới này dường như cho thấy để có cơ sở rõ ràng để đòi đủ lương cho những ngày nghỉ hằng năm chưa nghỉ, người lao động nên yêu cầu việc sửa đổi hợp đồng lao động của mình bằng văn bản nếu có bất kỳ việc tăng lương nào.

Phòng vắt, trữ sữa mẹ

Người sử dụng lao động có từ 1000 lao động nữ trở lên phải có phòng vắt, trữ sữa mẹ.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Nghị Định 145/2020/NĐ-CP đưa ra một hệ thống quy định mới về ngăn ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các quy định cụ thể gồm,

· Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới hình thức đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc quan hệ tình dục để đổi lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục mà do đó tạo ra một môi trường làm việc khó chịu và bất an, và gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần, thể chất, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối;

· Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: (1) hành động, cử chỉ, tiếp xúc thân thể với cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; (2) quấy rối tình dục bằng lời nói: gồm những bình luận hoặc cuộc hội thoại mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục trực tiếp, qua điện thoại hoặc thông qua các phương tiện điện tử; và (3) quấy rối tình dục phi lời nói: gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả về tình dục hoặc các hoạt động tình dục trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện điện tử;

· Nội quy lao động của người sử dụng lao động phải có quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; và

· Các quyền và nghĩa vụ khác của người sử dụng lao động và người lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn