Người chấp bút, trong tiếng Anh được gọi là “ghostwriter” và được định nghĩa là “a person who writes a book, etc. for another person, under whose name it is then published”; có nghĩa là “người viết một cuốn sách cho một người khác và sẽ xuất bản theo tên của người đã thuê họ viết ra cuốn sách đó”. Khoản 3 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định: “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả”. Như vậy, dưới nhãn quan pháp lý, nếu người chấp bút hay người đánh máy chỉ thực hiện công việc hỗ trợ cho tác giả sáng tạo trong việc tạo ra tác phẩm sẽ không được xem là tác giả hay đồng tác giả. Một cách rõ ràng, người chấp bút chỉ là người thực hiện ý tưởng của tác giả sáng tạo ra tác phẩm bởi một hình thức vật chất nhất định. Do đó, người chấp bút không phải là người sáng tạo ra tác phẩm nên không được xem là tác giả.
Luật bản quyền của một số nước trên thế giới cũng không thừa nhận vai trò của người chấp bút, hay người hỗ trợ sẽ có quyền tác giả đối với tác phẩm khi thực hiện các công việc hỗ trợ để thể hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả (như công việc đánh máy, tập hợp tư liệu,…).
Tại Hoa Kỳ, khi bàn về vấn đề bản quyền của người chấp bút, người chấp bút sẽ không có quyền đối với tác phẩm sau khi đã nhận đầy đủ khoản tiền thanh toán từ tác giả cho công việc hỗ trợ đó. Quyền sở hữu đối với bản quyền tác phẩm sẽ thuộc về bên đặt hàng, và người chấp bút sẽ không có quyền tác giả hoặc quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Tuy nhiên, các tranh chấp về bản quyền sẽ xảy ra khi hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên không có điều khoản quy định rõ ràng về vai trò của người chấp bút trong mối quan hệ với tác giả. Ngoài ra, tại Thụy Sỹ, yếu tố “đồng sáng tạo” cũng là bắt buộc để phân định vai trò của “đồng tác giả” đối với tác phẩm, theo đó, khái niệm đồng tác giả cũng chỉ đặt ra đối với những người cùng đóng góp vào việc sáng tạo nên tác phẩm và quyền tác giả chỉ thuộc về những người này mà không dành cho các đối tượng hỗ trợ khác (như người chấp bút) với vai trò không đóng góp vào sự sáng tạo đối với tác phẩm đó.
Một vụ tranh chấp về bản quyền giữa tác giả và người chấp bút khá nổi tiếng tại Pháp được biết đến là giữa Đại văn hào nổi tiếng của Pháp – Alexandre Dumas và người hỗ trợ ông trong việc chấp bút các tiểu thuyết nổi tiếng là ông Auguste Maquet. Theo đó, Auguste Maquet đã khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu việc công nhận ông với tư cách đồng tác giả cùng với Alexandre Dumas đối với các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mà ông đã hợp tác chấp bút cùng Alexandre Dumas, mặc dù tại hợp đồng hợp tác, Auguste Maquet đã thỏa thuận việc không ghi nhận công sức đóng góp trong việc sáng tạo nên các cuốn tiểu thuyết này. Kết quả, Tòa án đã xử chỉ có Alexandre Dumas – người thực sự có ý tưởng sáng tạo đối với tác phẩm mới có quyền tác giả đối với các cuốn tiểu thuyết này sau khi phải trả các chi phí đã thuê Auguste Maquet viết tiểu thuyết trong khoảng thời gian 11 năm.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, không phải hiển nhiên 100% cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ lựa chọn phương án giải quyết chỉ căn cứ vào quy định pháp luật, vì vốn dĩ, các điều khoản thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ hợp tác này đóng vai trò quan trọng khi xem xét giải quyết tranh chấp. Do đó, các tác giả khi thuê người chấp bút hoặc người hỗ trợ thực hiện công việc liên quan, cần lưu ý xây dựng cơ sở rõ ràng trong hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chính mình. Về cả pháp lý và thực tiễn, một hợp đồng với các quy định chặt chẽ và khẳng định rõ ràng vai trò hỗ trợ của người chấp bút để thể hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả trong tác phẩm là cơ sở pháp lý cần thiết để các bên giải quyết tranh chấp khi xảy ra sau này.
(Trích từ Lê Quang Vy và Võ Trần Hoàng Sa, “Người có ý tưởng sáng tạo và người chấp bút – Ai là tác giả?”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, 15/4/2021.)