Kỷ luật lao động là một nội dung mà người lao động cần nắm được để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời là nội dung mà người sử dụng lao động cũng cần hiểu rõ để đảm bảo việc kỷ luật người lao động đúng theo quy định pháp luật. Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, quy định nhiều điểm mới về kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động và người lao động cần biết. Dưới đây là một số điểm mới về kỷ luật lao động theo Bộ luật lao động 2019.
1. Khái niệm "Kỷ luật lao động"
- Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
- Bộ luật Lao động 2012 quy định: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.
Bộ luật lao động 2019 đã quy định thêm về việc những quy định về kỷ luật lao động phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và được ban hành trong nội quy lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động quy định những nội dung vượt quá quy định pháp luật để kỷ luật người lao động.
2. Ban hành nội quy lao động
Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định "Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản."
3. Những nội dung chủ yếu trong nội quy lao động
Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan; nội quy lao động theo Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm những nội dung mới như:
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
4. Luật hóa nội dung "sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký nội quy lao động"
Theo quy định cũ, nội dung này chỉ được quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, nay đã được luật hóa tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật lao động 2019. Theo đó, người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh. Như vậy, từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động.
5. Về xử lý kỷ luật với người lao động dưới 18 tuổi
Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp xử lý kỷ luật là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2019 đã có thay đổi như sau: khi xử lý kỷ luật với người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.
6. Về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng;
Khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 (khoảng thời gian không được xử lý kỷ luật lao động), nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn theo quy định trên.
Như vậy, khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật mà trường hợp còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày sẽ được kéo dài thời hiệu (theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì phải xử lý ngay, không được kéo dài).
7. Thêm trường hợp người sử dụng lao động được sa thải người lao động
Bộ luật lao động 2019 bổ sung thêm 01 trường hợp người sử dụng lao động được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động bên cạnh các trường hợp khác theo quy định hiện hành. Cụ thể là trường hợp "Người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động".
Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.