Để kinh doanh cửa hàng ăn uống tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện xin cấp nhiều loại giấy phép khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Sau đây gọi tắt là “Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm”). Đây là loại giấy phép bắt buộc mà cơ sở kinh doanh phải thực hiện nhằm giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát được tình hình an toàn thực phẩm và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không tồn tại mãi mãi mà trong một số trường hợp cửa hàng ăn uống phải xin cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Các trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Các trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 4 Thông tư 43/2018/TT-BCT. Quy định này đã bị bãi bỏ bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BCT từ ngày 03/8/2020, và hiện nay chưa có quy định thay thế. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan có thẩm quyền vẫn áp dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 43/2018/TT-BCT. Theo đó, các trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bao gồm:
- Khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực;
- Cấp lại do Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hỏng;
- Cấp lại do cơ sở thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh; thay đổi, bổ sung quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh;
- Cấp lại do cơ sở có thay đổi tên cơ sở nhưng không thay đổi chủ cơ sở, địa chỉ, địa điểm và toàn bộ quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh;
- Cấp lại do thay đổi chủ cơ sở nhưng không thay đổi tên cơ sở, địa chỉ, địa điểm và toàn bộ quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh.
Trình tự, thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực
Khi Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực, tương tự trình tự, thủ tục xin cấp lần đầu, cửa hàng ăn uống có nhu cầu xin cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tại Bước 1) tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ trong thời gian 05 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.
Bước 3: Tiếp đoàn thẩm định cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lê.
Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở kiểm tra và lập Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.
Hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp theo Mẫu số 01b tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BCT;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a (đối với cơ sở sản xuất), Mẫu số 02b (đối với cơ sở kinh doanh) hoặc cả Mẫu số 02a và Mẫu số 02b (đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
Một số lưu ý về hiệu lực của Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 (Ba) năm. Do đó, nếu cửa hàng ăn uống tiếp tục kinh doanh sau thời gian này, thì cửa hàng phải xin cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc xin cấp lại được thực hiện trong vòng 06 (Sáu) tháng trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.