Nguyên tắc đối với dịch vụ qua biên giới
Chương Dịch vụ qua biên giới của CPTPP đặt ra 04 nguyên tắc chung về dịch vụ qua biên giới mà các nước CPTPP trong đó có Việt Nam phải dành cho các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP, bao gồm:
- Nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT): Theo nguyên tắc này, các thành viên CPTPP cam kết sẽ dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trong nước trong hoàn cảnh tương tự;
- Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nguyên tắc này đòi hỏi các nước Thành viên CPTPP phải dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước Thành viên CPTPP khác đối xử không kém sự thuận lợi hơn đối xử dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các nước CPTPP khác hoặc của các nước không phải là thành viên CPTPP trong hoàn cảnh tương tự;
- Nguyên tắc về tiếp cận thị trường (Market Access):Nguyên tắc này yêu cầu các nước Thành viên CPTPP (i) không áp đặt các hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường, trị giá giao dịch, số lượng dịch vụ cung cấp, số lượng cá nhân được phép tuyển dụng..; (ii) không đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập hiện diện thương mại dưới một hình thức pháp lý nhất định tại thị trường đó để cung cấp dịch vụ.
- Nguyên tắc về hiện diện tại nước sở tại (Local presence): Nguyên tắc này cấm các nước Thành viên CPTPP đặt điều kiện nhà cung cấp dịch vụ CPTPP phải thiết lập văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hay phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Nguyên tắc mở cửa thị trường dịch vụ
Khác với nguyên tắc mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ WTO, EVFTA, cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP được thực hiện theo phương thức chọn-bỏ. CPTPP liệt kê những nghĩa vụ, nguyên tắc mở cửa cơ bản cho nhà đầu tư và dịch vụ xuyên biên giới từ các nước CPTPP khác. Các nghĩa vụ, nguyên tắc này là bắt buộc trừ khi có bảo lưu. Như vậy: Nếu không có bảo lưu gì thì các nước thuộc CPTPP phải mở cửa cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP khác phù hợp với các nghĩa vụ, nguyên tắc mở cửaa cơ bản này. Nếu có bảo lưu thì ở các khía cạnh bảo lưu, các quốc gia thuộc CPTPP được quyền không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, nguyên tắc mở cửa liên quan mà chỉ mở cửa như mức bảo lưu.
Theo Chương 10 này, các Thành viên cam kết sẽ mở cửa toàn bộ thị trường các dịch vụ theo đúng các nguyên tắc nêu tại Chương 10 (tóm tắt ở trên) ngoại trừ các hạn chế đối với các lĩnh vực dịch vụ nêu tại các Danh mục các biện pháp không tương thích, quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của CPTPP (mỗi nước sẽ có 01 Danh mục riêng). Các Danh mục này thực chất là các ngoại lệ/bảo lưu cho phép các nước CPTPP không phải tuân thủ một số các nghĩa vụ trong Chương Dịch vụ qua biên giới và Chương Đầu tư trong CPTPP. Mỗi Danh mục có cơ chế/nguyên tắc áp dụng riêng. Phụ lục I: bao gồm các biện pháp không tương thích đang áp dụng tại thời điểm CPTPP có hiệu lực mà mỗi nước CPTPP sẽ được tiếp tục áp dụng; trường hợp có sửa đổi thì việc sửa đổi phải đáp ứng được hai nguyên tắc sau: - Sửa đổi theo hướng không kém thuận lợi hơn so với biện pháp đó tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực (nguyên tắc giữ nguyên trạng - “standtill”) - Một khi đã sửa đổi lên một mức mới thuận lợi hơn, thì những sửa đổi sau đó sẽ không được kém thuận lợi hơn mức mới này (nguyên tắc chỉ tiến không lùi - “ratchet”).
Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, đối với nguyên tắc “ratchet” về dịch vụ này được bảo lưu chỉ phải tuân thủ sau 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Phụ lục II: bao gồm các biện pháp không tương thích mà nước Thành viên CPTPP được phép áp dụng mà không có hạn chế gì về thời gian (hiện tại hay tương lai) và cách thức (thuận lợi hơn hay khó khăn hơn).