Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tại Điều 663 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật cũng như thực tiễn xét xử tại Tòa án các cấp về vấn đề di chúc chung vợ chồng lại phát sinh nhiều bất cập. Có thể kể đến như thời điểm có hiệu lực của di chúc chung vợ chồng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người còn sống. Không những vậy, quy định về di chúc chung vợ chồng còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế của bên chết trước vì họ cũng phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực thì mới được phân chia di sản. Việc tồn tại di chúc chung vợ chồng còn phát sinh nhiều vướng mắc trong quy định về thời hiệu thừa kế, khi trong một số trường hợp, khi người còn lại chết thì thời hiệu khởi kiện đối với di sản của người chết trước cũng đã hết. Ngoài ra, cũng có một số bất cấp về thực hiện như nếu một người đã chết thì người còn lại chỉ được sửa đổi, bổ sung di chúc với phần tài sản của mình. Lúc này, để phân chia và xác định phần tài sản của người này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì còn nhiều bất cập như vậy nên Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực đã bỏ quy định về việc lập di chúc chung của vợ chồng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không đồng thời cấm việc lập di chúc chung vợ chồng. Điều này hình thành hai luồng quan điểm trái ngược giữa “pháp luật hiện hành không thừa nhận di chúc chung vợ chồng” và “pháp luật không cấm đồng nghĩa với việc vẫn chấp nhận giá trị của di chúc chung vợ chồng”.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là: Di chúc chung vợ chồng được lập sau thời điểm Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì có được pháp luật ghi nhận hay không? Hay nói một cách khác là, nếu không có quy định cấm lập di chúc chung một cách minh thị thì liệu có được hiểu là không cho phép vợ chồng lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung hay không? Việc xác định như vậy nhằm mục đích giải quyết được vấn đề: Sau này nếu xảy ra tranh chấp về thừa kế có liên quan đến di chúc chung vợ chồng đã được lập thì Tòa án có công nhận đây là di chúc hợp pháp hay không.
Theo đa số quan điểm, đồng thời dựa trên bản chất di chúc còn được ghi nhận là một giao dịch dân sự, thì mặc dù Bộ luật dân sự 2015 không quy định về di chúc chung vợ chồng nhưng cũng không cấm lập di chúc chung. Vì vậy, cần thỏa mãn các điều kiện về lập di chúc thì di chúc sẽ có hiệu lực, cụ thể tại điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”
Ngoài ra, khi thỏa mãn thêm các điều kiện khác theo quy định Bộ luật dân sự về lập di chúc thì hoàn toàn có thể lập di chúc chung vợ chồng.
* Một số lưu ý khi lập di chúc chung vợ chồng:
- Về việc xác định di sản thừa kế: Điều quan trọng nhất đó là vợ chồng cần xác định được khối tài sản chung bao gồm những gì? Có tài sản riêng nào không?
- Về thời điểm có hiệu lực của di chúc: Về nguyên tắc, khi một trong hai người vợ/chồng chết, thì phần di sản của người đó sẽ có thể được đem ra chia thừa kế. Vậy hai vợ chồng phải thống nhất về việc có ghi thời điểm có hiệu lực là khi cả 2 vợ chồng đều đã chết không.
- Về quyền sửa đổi di chúc: vợ chồng phải thống nhất về việc bản di chúc có được phép sửa đổi hay không. Nếu sửa đổi thì có cần được sự đồng ý của cả 2 vợ chồng không.
- Vợ chồng thống nhất về việc bản di chúc có được hủy ngang hay không