Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0 là sự ra đời của rất nhiều các trang thương mại điện tử, nhu cầu giao dịch qua các trang thương mại điện tử của người dân cũng tăng lên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống đang được chú trọng. Vì vậy, việc tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động thương mại điện tử là rất cần thiết, đặc biệt đối với các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào hoạt động thương mại điện tử. Dưới đây là một số quy định pháp luật về hoạt động này.
1. Khái niệm hoạt động thương mại điện tử
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử quy định: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Khác với thương mại truyền thống là thương mại được thực hiện dựa trên các tài liệu bằng giấy (hợp đồng bằng văn bản giấy, chứng cứ bằng văn bản giấy), thương mại điện tử sử dụng các phương tiện điện tử để giao dịch và lưu trữ thông tin.
Phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được hiểu là: “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kĩ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.
2. Đặc điểm của hoạt động thương mại điện tử
- Hình thức thể hiện: Hoạt động thương mại điện tử được thể hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác mà có thể không cần phải gặp gỡ trực tiếp tiến hành đàm phán, giao dịch đi đến ký hợp đồng…
- Phạm vi hoạt động: Hoạt động thương mại được thực hiện không phụ thuộc vào vị trí địa lý, thời gian. Các chủ thể có thể tiến hành các hoạt động thương mại điện tử ở bất cứ nơi nào, tại bất kì thời điểm nào chỉ cần có kết nối mạng internet.
- Thời gian thực hiện giao dịch: Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện không phụ thuộc vào thời gian, dù ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào các cá nhân, doanh nghiệp cũng có thể tiến hành được các giao dịch thương mại điện tử. Đây là một lợi thế quan trọng giúp người tham gia giao dịch tiến hành tự động hóa một số bước trong giao dịch thương mại điện tử (ví dụ như trong hoạt động mua hàng trực tuyến qua Website)
3. Chủ thể của hoạt động Thương mại điện tử
Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử bao gồm:
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
- Các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).
- Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng).
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.
4. Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
- Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
- Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Website đấu giá trực tuyến;
+ Website khuyến mại trực tuyến;
+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
- Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định này.