Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Sự khác nhau giữa tác giả, đồng tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Chúng ta biết rằng, chủ thể của mọi quyền lợi bao giờ cũng có hai đối tượng đó là thể nhân (con người của tự nhiên, là sản phẩm của tạo hóa) và pháp nhân (con người do pháp luật sinh ra). Vì thế, chủ thể quyền sở hữu quyền tác giả có thể là thể nhân hoặc là pháp nhân. Song, khi nói đến tác giả thì không thể là pháp nhân mà chỉ có thể là thể nhân. Bởi, chỉ có thể nhân mới là người trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm.

Theo đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 22/2018/NĐ-CP) quy định: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”.

Điều 6 Luật Bản quyền Liên Bang Thụy Sĩ đưa ra khái niệm “Tác giả là thể nhân sáng tạo nên tác phẩm”. Về mặt pháp lý, có lẽ chúng ta nên sử dụng thuật ngữ “là thể nhân/cá nhân sáng tạo” chính xác hơn “là người sáng tạo”, bởi như đã nêu trên, pháp nhân là con người do pháp luật sinh ra, vì thế nếu dùng “người sáng tạo” thì một mặt nào đó sẽ có thể bị hiểu là pháp nhân sáng tạo, trong khi đó pháp nhân không phải là con người tự nhiên thì không thể sáng tạo được.

Nói tóm lại, chỉ những cá nhân bằng lao động của mình, trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định mới là tác giả của tác phẩm, được luật pháp bảo hộ. Tác phẩm được xem là đồng tác giả khi có nhiều tác giả cùng sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm đó.

Luật SHTT cũng minh thị các trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, cá nhân sử dụng vốn thời gian, tài chính và các điều kiện vật chất khác của mình trực tiếp sáng tạo ra táac phẩm thì cá nhân đó vừa là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 37 Luật SHTT). Trong trường hợp này, tác giả có quyền sở hữu toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Đối với tác phẩm có đồng tác giả thì các đồng tác giả cũng đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả. Luật pháp cũng dự liệu trong trường hợp các đồng tác giả có phần sáng tạo riêng, có thể tách ra để sử dụng độc lập mà không gây phương hại tới phần của các đồng tác giả khác, thì có quyền sở hữu toàn bộ quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần sáng tạo độc lập đó (Điều 38 Luật SHTT). Trường hợp tác giả chỉ là người sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng sáng tạo (tác giả làm thuê), thì tác giả chỉ có quyền nhân thân, còn quyền tài sản sẽ thuộc về cá nhân hay tổ chức giao việc hoặc có giao kết hợp đồng với tác giả.

Như vậy, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm (Điều 39 Luật SHTT). Ngoài ra, Luật SHTT cũng có quy định các trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, là người được chuyển giao quyền hay trong trường hợp nào thì chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

(Trích từ Lê Quang Vy và Võ Trần Hoàng Sa, “Người có ý tưởng sáng tạo và người chấp bút – Ai là tác giả?”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, 15/4/2021.)

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn