1. Điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020
Luật Bảo vệ môi trường 2020 thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014 với một số điểm mới nổi bật sau đây:
- Không phân loại rác thải có thể từ chối thu gom (khoản 2 Điều 77).
Cụ thể, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định.
(Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo điểm c khoản 1 Điều 75).
- Tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích (khoản 1 Điều 79).
Theo đó, một trong những căn cứ để tính toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân là dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
- Bổ sung đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 29).
Cụ thể, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I.
Trong đó, dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao được quy định tại khoản 3 Điều 28.
- Quy định về Giấy phép bảo vệ môi trường
Theo Luật mới, nội dung về Giấy phép môi trường được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Cụ thể, có 03 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.
Ngoài ra, còn các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…
2. Điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020
So với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có một số điểm mới nổi bật như sau:
- Sửa đổi nguyên tắc xử phạt hành chính (khoản 2 Điều 1)
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
(Hiện hành, vừa quy định nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm (Điều 3) vừa quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng (Điều 10)).
- Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí,... được quy định cụ thể tại khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (sửa đổi Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012), đơn cử như:
+ Lĩnh vực giao thông đường bộ: mức phạt tối đa 75.000.000 đồng. (Hiện hành là 40.000.000 đồng)
+ Lĩnh vực báo chí: mức phạt tối đa 250.000.000 đồng. (Hiện hành là 100.000.000 đồng)
- Bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
- Bổ sung nhiều lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính tại Điều 64 như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
( Luật Hiện hành chỉ áp dụng với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường).
- Thay đổi đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tại Điều 90, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đơn cử như:
+ Biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn: Bãi bỏ đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
+ Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Bổ sung đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.