Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Trên thực tế, công ty bị mua lại không còn tồn tại, công ty mua lại sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty bị mua lại. Về bản chất, mục đích của người mua trong hầu hết các trường hợp mua lại là muốn làm tăng lợi nhuận, mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng doanh thu.
Quy trình mua bán và sáp nhập
Bước 1: Lên chiến lược mua lại và tìm kiếm các công ty mục tiêu
Tạo ra một chiến lược M&A tốt để giúp bên mua đạt được mong muốn từ việc mua lại Doanh nghiệp. Bên mua cần xác định một tiêu chí chính để tìm kiếm công ty mục tiêu tiềm năng và sau đó bắt đầu tìm các công ty đáp ứng tiêu chí trên.
Bước 2: Xem xét và đánh giá công ty mục tiêu
Giai đoạn này rất quan trọng đối với người mua. Các công việc cần xem xét và đánh giá hoạt động kinh doanh khi mua lại bao gồm: Báo cáo tài chính, các khoản phải thu và phải trả, đội ngũ nhân viên, khách hàng, địa điểm kinh doanh, tình trạng cơ sở vật chất, đối thủ cạnh tranh, đăng ký kinh doanh, giấy phép và bộ phận kinh doanh, hình ảnh công ty…
Quá trình thẩm định thường được tiến hành theo ba hạng mục chính: (1) tư cách pháp nhân, (2) tình hình tài chính và (3) kết quả hoạt động kinh doanh, chiến lược kinh doanh.
Bước 3: Định giá và thương lượng giá
Sau khi nghiên cứu và quyết định mua một doanh nghiệp, bước tiếp theo sẽ là định giá công ty mục tiêu.
· Lựa chọn phương thức thực hiện sáp nhập và mua lại;
· Xác định nguồn tài chính cho việc bán doanh nghiệp;
· Xác định giá trị doanh nghiệp, đàm phán giá cả;
· Tiến hành đàm phán cụ thể từng điều khoản của hợp đồng mua bán của doanh nghiệp.
Bước 4: Hoàn tất giao dịch mua bán doanh nghiệp
· Hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp;
· Thực hiện các thủ tục pháp lý đối với việc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp;
· Giải quyết các vấn đề tồn đọng sau khi mua doanh nghiệp như lao động, tài chính, pháp lý, quản trị…
Lưu ý: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới được phép bán toàn bộ vì doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh. Do đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình cho người khác. Việc bán doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp năm 2020.