Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Trình tự, thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Hiên nay, nhu cầu đầu tư ra nước ngoài ngày một tăng cao. Tuy nhiên, đặc thù của hoạt động này là khá phức tạp do chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật khác nhau. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Dưới đây là các bước cơ bản để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài:

Bước 1: Xin chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư ra nước ngoài

Khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư cần xác định dự án đầu tư của mình có thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư hay không. Đối với từng dự án đầu tư ra nước ngoài, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ khác nhau. Cụ thể, theo quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được quy định như sau:

“1. Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;

b) Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Trừ các dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;

b) Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

3. Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.”

Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ được quy định chi tiết tại Điều 57 và Điều 58 Luật Đầu tư 2020.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư thực hiện quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:

“1. Việc quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do nhà đầu tư quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

3. Nhà đầu tư, cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với việc đầu tư ra nước ngoài.”

Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

* Về điều kiện:

Để đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Khi đó, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện cấp Giấy chứng nhận như sau:

- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật Đầu tư.

- Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.

- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư.

- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

* Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài:

1. Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư.

2. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư;

- Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật Đầu tư;

- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Xin dự án đầu tư ở nước dự kiến đầu tư theo quy định của pháp luật nước ngoài (thực hiện theo quy định pháp luật của nước đó)

Bước 4: Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam

Việc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài là bắt buộc và được thực hiên theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

- Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trên theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Bước 5: Mở tài khoản đầu tư ở nước ngoài

Việc mở tài khoản đầu tư ở nước ngoài nhằm mục đích nhận số tiền đầu tư chuyển từ Việt Nam sang. Tài khoản này phải được mở tại đất nước có dự án đầu tư và tuân theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Bước 6: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể như sau:

- Điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài:

+ Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

+ Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;

+ Có tài khoản vốn theo quy định.

- Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn