Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 024 6658 5265

Tin tức Ủy quyền đại diện quản lý phần vốn góp trong công ty cổ phần

Người ủy quyền

Cá nhân hoặc pháp nhân khi góp vốn vào Công ty cổ phần được gọi là cổ đông của công ty. Phần vốn góp vào công ty được gọi là cổ phần. Cổ phần là tài sản thuộc quyền sở hữu của Cổ đông. Khoản 2 Điều 160 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản không không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy, cổ đông hoàn toàn được quyết định các vấn đề liên quan đến cổ phần của mình trong công ty, bao gồm cả việc ủy quyền cho người khác đại diện mình quản lý cổ phần.

Đối với cổ đông là tổ chức, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ ràng về việc cử người đại diện quản lý cổ phần của họ tại công ty tại Điều 14 và Điều 15. Trong đó, có những vấn đề cần lưu ý như sau:

- Cổ đông công ty là tổ chức sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện;

- Trường hợp cổ đông cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể số cổ phần cho mỗi người đại diện và lập thành văn bản thông báo cho công ty. Trường hợp không xác định số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.

Đối với cổ đông là cá nhân, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cụ thể về việc ủy quyền cho người khác đại diện quản lý cổ phần mà chỉ quy định chung chung về quyền của cổ đông. Cụ thể tại Điểm a Khoản 1 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 quy định cổ đông phổ thông có quyền tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền. Như vậy, luật Doanh nghiệp không có quy định nào cấm cổ dông là cá nhân ủy quyền cho nhiều người quản lý cổ phần của mình trong công ty. Như vậy, cổ đông nói chung trong công ty (gồm cả tổ chức và cá nhân) chỉ cần phạm vi ủy quyền khác nhau hoàn toàn có quyền ủy quyền cho nhiều người quản lý cổ phần của họ trong công ty.

Người được ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, đại diện theo ủy quyền là quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự do người nhận ủy quyền xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi ủy quyền làm phát sinh quyền, nghĩa vụ với người ủy quyền.

Điều 14, Điều 15 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể về người đại diện theo ủy quyền của cổ đông như sau:

- Người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân và phải được ủy quyền bằng văn bản, nhân danh cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo phạm vi ủy quyền và theo quy định của pháp luật;

- Người đại diện theo ủy quyền không được là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội hoặc Công an; người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù,… (Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

- Người đại diện theo ủy quyền ngoài việc phải thỏa mãn các yêu cầu được đều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp 2020, Bộ luật dân sự 2015, còn cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

Trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty

- Thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông. Mọi hạn chế của cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông công ty tương ứng tại Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ 3;

- Có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người ủy quyền.

Lưu ý: Do pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề ủy quyền quản lý cổ phần của cổ đông là cá nhân nên có tình trạng giữa các thành viên công ty vì có mâu thuẫn, bất đồng nên có cổ đông đã ủy quyền cho rất nhiều người khác quản lý cổ phần của họ, gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành của công ty. Để giải quyết vấn đề này, khi xây dựng điều lệ công ty cũng như ký kết các thỏa thuận, hợp đồng với các bên liên quan cần dự liệu trường hợp này để rà soát các quy định sao cho chặt chẽ, phòng ngừa các rủi ro phát sinh.

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn