Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Các vấn đề tiềm ẩn đối với người sở hữu trái phiếu ở Việt Nam khi tổ chức phát hành không trả được nợ

Việc thắt chặt tín dụng và các chiến dịch chống tham nhũng gần đây ở Việt Nam đã khiến nhiều tổ chức phát hành không thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu còn tồn đọng của mình. Theo một báo cáo gần đây, có khoảng 67 tổ chức phát hành trái phiếu chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu với số tiền chưa thanh toán là khoảng 3,7 tỷ USD. Người sở hữu trái phiếu, những người muốn thu hồi tiền gốc và tiền lãi cũng như được thực hiện các quyền của mình, có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về một số vấn đề sau:

· Thiếu tài liệu và thông tin: Người sở hữu trái phiếu có thể khó tiếp cận với tất cả các tài liệu giao dịch trái phiếu bao gồm (1) các điều khoản và điều kiện chi tiết của trái phiếu, (2) các hợp đồng ký kết giữa tổ chức phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ khác như đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản bảo đảm hoặc đại lý phát hành, và (3) các hợp đồng bảo đảm. Điều này là bởi theo quy định pháp luật, tổ chức phát hành không bắt buộc phải công khai tất cả các tài liệu này. Chỉ có bản tóm tắt các điều khoản và điều kiện chính của trái phiếu được quy định phải công bố. Và chỉ đối với trái phiếu phát hành sau ngày 1 tháng 1 năm 2021, người sở hữu trái phiếu mới được quyền yêu cầu cung cấp các tài liệu và thông tin liên quan đến trái phiếu. Ngoài ra, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã không chú ý đến việc thu thập các tài liệu này khi mua trái phiếu có liên quan.

· Các đại lý không hợp tác: Trong một giao dịch trái phiếu tiêu chuẩn, tổ chức phát hành thường thuê nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ khác nhau làm bên đại diện cho người sở hữu trái phiếu (ví dụ: đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản bảo đảm hoặc đại lý phát hành). Vì những bên đại diện này được tổ chức phát hành chỉ định và thanh toán, nên trên thực tế, họ khó có thể thực hiện các hành động chống lại tổ chức phát hành để bảo vệ lợi ích cho người sở hữu trái phiếu trong trường hợp tổ chức phát hành không thanh toán được nợ.

· Quyền trực tiếp thực hiện các biện pháp xử lý đối với tổ chức phát hành không rõ ràng: Người sở hữu trái phiếu có thể gặp khó khăn trong việc trực tiếp thực hiện các biện pháp xử lý đối với tổ chức phát hành vì tổ chức phát hành đã chỉ định nhiều đại lý khác nhau để “đại diện” cho người sở hữu trái phiếu. Theo quy định, không rõ những đại lý đó là đại diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền của người sở hữu trái phiếu. Nếu các đại lý đó là đại diện theo pháp luật thì người sở hữu trái phiếu có thể không có quyền trực tiếp khởi kiện tổ chức phát hành. Ngay cả khi người sở hữu trái phiếu có thể trực tiếp thực hiện quyền xử lý, thì trên thực tế, họ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, việc đăng ký giao dịch bảo đảm thường được thực hiện dưới tên của đại lý quản lý tài sản bảo đảm có liên quan mà có thể cũng đang nắm giữ tài sản bảo đảm (hoặc tài liệu).

· Tài liệu giao dịch có khả năng không hợp lệ: Khi phát hành trái phiếu, tổ chức phát hành phải tuân thủ các yêu cầu khác nhau (ví dụ: trái phiếu chỉ được phát hành cho “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”). Nếu tổ chức phát hành không tuân thủ yêu cầu đó, hiệu lực của đợt phát hành trái phiếu có thể bị ảnh hưởng. Nếu một trái phiếu bị coi là vô hiệu thì người sở hữu trái phiếu có thể không yêu cầu được số tiền lãi phát sinh từ trái phiếu đó. Thay vì vậy, người sở hữu trái phiếu có thể cần yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổ chức phát hành gây ra, điều này đòi hỏi người sở hữu trái phiếu phải chứng minh được rằng tổ chức phát hành (hoặc các đại lý có liên quan) có lỗi trong việc khiến trái phiếu bị vô hiệu.

Nguồn: https://vietnam-business-law.info/blog-lut-kinh-doanh/2023/4/28/cc-vn-tim-n-i-vi-ngi-s-hu-tri-phiu-vit-nam-khi-t-chc-pht-hnh-khng-tr-c-n

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn