Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án hành chính

Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đặc trưng nổi bật của công tác thi hành án hành chính là “cơ chế tự thi hành” của người phải thi hành án cùng với đó là các cơ chế tác động bổ sung nhằm “buộc” người phải thi hành án thi hành án. Để có thể nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án hành chính, đánh giá các yếu tố tác động đến công tác này, dưới đây là một số các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án hành chính.

1. Chất lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính

Nếu bản án của Tòa án không bảo đảm các yếu tố đúng pháp luật, cụ thể, rõ ràng, vừa có tính khả thi để thi hành trên thực tế thì việc thi hành sẽ gặp không ít khó khăn, người phải thi hành án không đồng tình dẫn đến kéo dài quá trình thi hành án hành chính. Do đó, chất lượng của bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án hành chính theo hướng thuận lợi hoặc không thuận lợi tùy thuộc vào nội dung của bản án.

2. Tính đặc thù của công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam

Thứ nhất, chủ thể có nghĩa vụ thi hành án hành chính là cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước mang quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với bên được thi hành án là các tổ chức, cá nhân, công dân. Do đó, thực tế bên phải thi hành án bằng quyền lực nhân danh nhà nước của mình thường có xu hướng gây khó khăn cho bên được thi hành án, thậm chí không chấp hành, chấp hành không nghiêm, không kịp thời các bản án của Tòa án, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án hành chính.

Thứ hai, đối tượng của thi hành án hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, vì vậy, quá trình thi hành án hành chính không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thi hành án hành chính mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật quản lý hành chính nhà nước trong ngành, lĩnh vực phát sinh khiếu kiện. Vì vậy, trên thực tế các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là bên phải thi hành án thường dựa vào tính phức tạp, thậm chí không rõ thời hạn trong các quy định pháp luật quản lý chuyên ngành để chậm thi hành án, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án hành chính.

Thứ ba, cơ chế thi hành án hành chính là cơ chế “tự thi hành”, hay nói cách khác kết quả thi hành án hành chính phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm tự thi hành của các cơ quan, tổ chức phải thi hành án hành chính.

3. Về thể chế pháp lý về công tác thi hành án

Luật Tố tụng hành chính 2015 và nghị định 71/2016/NĐ-CP cũng đã có những quy định về thi hành án hành chính, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn vướng mắc như:

- Thi hành án hành chính theo pháp luật hiện hành vẫn là cơ chế “tự thi hành”, quy định về chế tài xử lý trách nhiệm đối với hành vi không chấp hành án hành chính theo pháp luật hiện hành vẫn còn những “lỗ hổng” chưa được bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, khi người phải thi hành án cố tình “chây ì” không chấp hành án thì việc thi hành án hành chính trở nên khó khăn và kéo dài;

- Trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính có nội dung bác đơn yêu cầu khởi kiện, hiện nay cũng đang còn ý kiến khác nhau[1] cần có sự hướng dẫn thống nhất thực hiện của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

4. Tổ chức quản lý công tác thi hành án hành chính

Theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, tại Điều 34 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong thi hành án hành chính nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ quan giúp việc cho UBND các cấp về quản lý công tác thi hành án hành chính nên trên thực tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giao cho cơ quan chuyên môn để giúp mình thực hiện nhưng không thống nhất ở các địa phương (có địa phương giao cho Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân...) trong phạm vi cả nước dẫn đến sự không thống nhất và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và công tác thi hành án hành chính nói riêng.

5. Trình độ, nhận thức của bên phải thi hành án và bên được thi hành án trong công tác thi hành án hành chính

Hoạt động thi hành án hành chính, đối với bên phải thi hành án vừa là thẩm quyền, vừa là trách nhiệm do pháp luật quy định, đối với bên được thi hành án luôn gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, cần nâng cao trình độ, nhận thức của bên phải thi hành án và bên được thi hành án trong hoạt động thi hành án hành chính để các bên hiểu đúng và thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình.

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn