Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

1. Các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư gồm các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án

Trường hợp 2: Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp

Trường hợp 3: Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

Trường hợp 4: Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động:

– Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

+ Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật di sản văn hóa;

+ Để khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về môi trường;

+ Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;

+ Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;

+ Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Trường hợp 5: Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;

Trường hợp 6: Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

Trường hợp 7: Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

Trường hợp 8: Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;

Trường hợp 9: Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;

2. Thủ tục chấm dứt dự án đầu tư

– Đối với trường hợp nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án thì Nhà đầu tư gửi thông báo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có). Ngay khi nộp hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tình trạng hoạt động của dự án;

– Đối với chấm dứt theo trường hợp 2 và 3: Nhà đầu tư thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Ngay khi nộp hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tình trạng hoạt động của dự án;

– Đối với các trường hợp còn lại là những trường hợp do Cơ quan đăng ký đầu tư tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư.

– Dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư thì khi chấm dứt hoạt động của dự án, không bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư và nội dung đăng ký kinh doanh vẫn tiếp tục có hiệu lực.

– Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đồng thời là chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế thì dự án đầu tư chấm dứt hoạt động theo các trường hợp nêu trên và thực hiện chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế theo pháp luật liên quan.

3. Thanh lý dự án đầu tư

Sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, việc thanh lý dự án đầu tư được thực hiện như sau:

– Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản;

– Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế.

Như vậy, trách nhiệm thanh lý dự án đầu tư thuộc về Nhà đầu tư và tùy thuộc vào dự án đầu tư mà thủ tục thanh lý được tiến hành theo quy định của từng luật cụ thể.

4. Chế tài xử phạt khi không thực hiện thủ tục Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, thì trường hợp nhà đầu tư không làm thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thì Nhà đầu tư có thể bị phạt tối thiểu 20.000.000 đồng và tối đa 30.000.000 đồng.

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn