Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội và cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể được xem như một khoản an sinh cho người lao động khi họ không may mất thu nhập từ lao động. Bởi liên quan đến vấn đề lợi ích, do đó BHXH luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Vậy khi nhắc đến BHXH, người lao động cần biết những thông tin gì? Mức hưởng BHXH một lần của họ được tính như thế nào?

Những điều cần biết về BHXH

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

1. Có hai loại BHXH

BHXH bắt buộc: là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Như vậy, về cơ bản, BHXH bắt buộc là một sự đảm bảo của người sử dụng lao động đối với người lao động, giúp cho người lao động một khoản tiền khi họ hết tuổi lao động hoặc không may xảy ra biến cố.

BHXH bắt buộc bao gồm 05 chế độ sau: (i) Ốm đau; (ii) Thai sản; (iii) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (iv) Hưu trí; (v) Tử tuất.

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

(i) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

(ii) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

(iii) Cán bộ, công chức, viên chức;

(iv) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

(v) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

(vi) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

(vii) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

(viii) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

(ix) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

BHXH tự nguyện: là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

2. Lợi ích của BHXH

BHXH giúp người lao động bảo đảm sự thay thế, bổ sung khi họ thiếu hụt tài chính do ốm đau, thai sản, nghỉ hưu,… Để có lợi ích như vậy, người lao động sẽ trích một khoản tiền lương hàng tháng để đóng BHXH, đây được xem như một khoản “để dành” của người lao động.

3. Mức đóng BHXH

(i) BHXH bắt buộc: Người lao động trích 8% lương tháng để đóng BHXH bắt buộc và người sử dụng lao động trích 17,5% lương tháng đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

(ii) BHXH tự nguyện: 22% x mức thu nhập hàng tháng.

Người lao động có thể tự chọn mức thu nhập hàng tháng để đóng BHXH tự nguyện. Mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Người lao động có thể chọn phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần hoặc 12 tháng một lần.

4. Điều kiện hưởng BHXH một lần

Theo Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều kiện để người lao động hưởng BHXH một lần là:

(i) Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa đủ 15 năm tham gia BHXH đối với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn;

(ii) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

(iii) Ra nước ngoài để định cư;

(iv) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.


Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn