Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Quy định của pháp luật về chia tài sản thừa kế trong trường hợp có người không đồng ý

Vấn đề thừa kế đã và đang là một trong những vấn đề luôn được quan tâm trong các gia đình. Các tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình đôi lúc phát sinh từ đó và phần lớn dẫn đến nhiều hậu quả xấu, gây ảnh hưởng tới mỗi quan hệ giữa các thành viên. Một số lý do dẫn đến việc chia tài sản thừa kế như người có tài sản đã mất để lại di chúc hoặc không có di chúc; di chúc không hợp pháp...Như vậy, nếu trường hợp có người không đồng ý việc chia tài sản thừa kế thì Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan có những quy định như sau:

1. Thừa kế là gì?

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Trong đó, thừa kế được chia thành hai hình thức như sau:

- Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người để lại di sản khi họ còn sống theo quy định tại chương XXII Bộ luật Dân sự 2015.

- Thừa kế theo pháp luật: là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại chương XXIII Bộ luật Dân sự 2015.

2. Tài sản thừa kế là gì?

Di sản là những tài sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung của người khác theo quy định của pháp luật.

Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản hay bất động sản và động sản hiện có và hình thành trong tương lai.

Căn cứ pháp lý: Điều 105, Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015.

3. Người có quyền hưởng di sản thừa kế

Theo Bộ luật Dân sự 2015, hai hình thức thừa kế hiện nay là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:

Thứ nhất, thừa kế theo di chúc: Căn cứ theo Điều 624: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, theo Điều 609, Điều 613, người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân hoặc không phải cá nhân.

- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

- Trường hợp người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Thứ hai, thừa kế theo pháp luật: Là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định tại Điều 489, 651, 652 Bộ luật Dân sự 2015, như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người đã chết; cháu ruột của người đã chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản như nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp không ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì người được hưởng phần di sản đó là cháu mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.

4. Chia tài sản thừa kế khi có người không đồng ý

Khi tiến hành phân chia tài sản mà có đồng thừa kế không đồng ý với việc phân chia tài thì với tính thần của Bộ luật Dân sự là sự thoả thuận, khuyến khích các đương sự tự thoả thuận với nhau. Mục đích là để các bên có được kết quả mong muốn song còn giữ vững mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Căn cứ Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, trong trường hợp các bên không đạt được sự thoả thuận thì có thể khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tranh chấp. Nếu tranh chấp thừa kế đất đai là người có quyền sử dụng đất thì bắt buộc phải hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã trước khi khởi kiện. Thẩm quyền được xác định như sau:

- Trường hợp các bên tham gia tranh chấp không có đương sự hoặc di sản ở nước ngoài, căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp di sản tranh chấp là bất động sản thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản.

- Trường hợp các bên tham gia tranh chấp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

5. Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế

- Nộp hồ sơ Đơn khởi kiện di sản thừa kế đến Tòa án có thẩm quyền.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Tòa án sẽ xem xét những tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

- Sau khi nộp, đương sự nộp lại biên lai thu tiền cho Tòa án, tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

- Thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì được gia hạn thêm 2 tháng. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn