Thay đổi trong việc thông báo website thương mại điện tử bán hàng
Website thương mại điện tử bán hàng chỉ phải thông báo cho Bộ Công Thương nếu website đó có chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, doanh nghiệp không còn phải thông báo về website thương mại điện tử bán hàng của mình khi website ấy chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ (không có chức năng đặt hàng và thanh toán).
Bổ sung trách nhiệm của người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
Ngoài các trách nhiệm được quy định theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng cần thực hiện những việc sau,
· công bố trên trang chủ website đường dẫn đến các thông tin về các điều khoản và điều kiện chung, giao hàng và vận chuyển, phương thức thanh toán;
· công bố trên website của mình thông tin về hàng hóa như được thể hiện trên nhãn của hàng hóa đó;
· công bố thông tin về giấy phép hoặc giấy chứng nhận chứng minh việc đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với ngành, nghề kinh doanh của mình; và
· liên quan đến các điều khoản về vận chuyển và giao nhận, phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận.
Hình thức mới của sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định mới, mạng xã hội được coi là sàn giao dịch thương mại điện tử nếu mạng xã hội đó đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
· mạng xã hội đó có một trong các hoạt động sau: (1) cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (2) cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; hoặc (3) có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; và
· người tham gia mạng xã hội đó trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động trên.
Bổ sung thêm trách nhiệm của nhà cung cấp [dịch vụ] sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến
Ngoài các trách nhiệm chung, nhà cung cấp [dịch vụ] sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có các nghĩa vụ sau:
· chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng vi phạm pháp luật. Đầu mối liên hệ này phải cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu;
· đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do người bán nước ngoài cung cấp và thông báo nghĩa vụ thuế mà người bán nước ngoài đó phải thực hiện;
· là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng nếu giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn hai bên tham gia;
· lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; và
· liên đới bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thủ tục hoàn toàn mới cho việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Trước đây, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cần phải xin cấp giấy phép từ Bộ Công Thương. Chính Phủ hiện nay thay đổi việc cấp phép sang việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Kết quả của việc đăng ký thành công bao gồm (1) một xác nhận về việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử do Bộ Công Thương cấp và (2) tên nhà cung cấp được cập nhật vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã đăng ký được công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.