Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định pháp luật hiện hành

Căn cứ theo quy định tại Luật công chứng 2014, Công chứng viên có thể hiểu là những người làm việc tại các văn phòng công chứng. Họ có đầy đủ bằng cấp, giấy chứng nhận hành nghề do Bộ Tư Pháp cấp. Công việc chính của họ là tiếp nhận yêu cầu và chứng thực tính xác thực, hợp pháp của các loại văn bản, giấy tờ,… Ví dụ như là chứng thực hợp đồng, giao dịch, bản sao hộ khẩu, bản sao căn cước công dân, sơ yếu lý lịch, bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt…

Hiện nay Công chứng viên phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Tư pháp vì họ được Nhà nước bổ nhiệm và còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của mọi người khi tham gia ký kết hợp đồng, văn bản. Do đó quyền và nghĩa vụ của Công chứng viên được quy định rất rõ ràng tại Điều 17 Luật công chứng 2014 như sau:

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên

1. Công chứng viên có các quyền sau đây:

a) Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng;

b) Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng;

c) Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này;

d) Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;

đ) Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;

b) Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;

c) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;

d) Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;

đ) Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

e) Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;

h) Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;

i) Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;

k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Bên cạnh những quyền lợi và nghĩa vụ kể trên, do công chứng viên là người có đầy đủ tiêu chuẩn được tuyển chọn theo quy định nên họ còn phải có trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp riêng, cụ thể như:

Công chứng viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp. Công chứng viên cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu công chứng và toàn thể xã hội.

Công chứng viên phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu công chứng đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Công chứng viên sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng bằng cách luôn có mặt tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong giờ làm việc theo quy định của pháp luật.

Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng.

Công chứng viên có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu công chứng các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trong hành nghề công chứng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng.

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn