Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Sự khác nhau trong cơ chế bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý

Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng. Trong đó, quyền sở hữu công nghiệp là một trong các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và được thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (ký tại Paris năm 1883, được sửa đổi tại Stockholm năm 1967).

Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định, “quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.” Xét thấy, quyền sở hữu công nghiệp là một dạng quyền tài sản, là quyền đối với loại tài sản vô hình, có giá trị thương mại và được pháp luật bảo hộ với mục tiêu chung của các quốc gia nhằm khai thác tính chất thương mại hoặc tính hữu ích về kỹ thuật. Tuy nhiên, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp lại có những cơ chế bảo hộ khác nhau, cụ thể ở nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là gì?

Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là sản phẩm trí tuệ, là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Sự khác nhau trong cơ chế bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Thứ nhất, về điều kiện bảo hộ:

Nhãn hiệu tập thểnhãn hiệu chứng nhận đều có dấu hiệu bảo hộ bao gồm:

– Dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Theo đó, chỉ dấu hiệu có thể nhận biết bằng thị giác mới có thể trở thành nhãn hiệu.

– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu được coi là có khả năng tự phân biệt nếu được tạo thành từ một hay một số yếu tố dễ nhẫn biệt, để ghi nhớ hoặc ừ nhiều yếu tố hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ. Ngoài ra, nhãn hiệu tập thể và chứng nhận không được gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng, giá trị công dung.

Còn đối với chỉ dẫn địa lý, điều kiện bảo hộ gồm sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Mỗi sản phẩm có đặc thù và những đòi hỏi khác nhau về chất lượng; các bước tiến hành quy trình sản xuất cũng có ảnh hưởng khác nhau đối với các sản phẩm. Đối với chỉ dẫn địa lí, thường không đòi hỏi mối liên hệ chặt chẽ giữa sản phẩm với xuất xứ địa lí như tên gọi xuất xứ. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí chỉ cần có đặc tính nào đó do nguồn gốc địa lí mang lại.

Thứ hai, về chủ thể nộp đơn/ chủ sở hữu/ chủ thể có quyền sử dụng:

Chủ thể của nhãn hiệu tập thể là Tổ chức bao gồm tất cả các thành viên trong tổ chức đó (một tập thể). Chủ thể của nhãn hiệu chứng nhận là tổ chức và có thể được sử dụng cho bất kỳ chủ thể nào đáp ứng các tiêu chuẩn xác định của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Chủ thể có quyền sử dụng nhãn hiệu là thành viên của tổ chức và bản thân tổ chức đó.

Bên cạnh đó, chủ thể của chỉ dẫn địa lý phải là Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam. Chủ thể có quyền sử dụng là tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực mang chỉ dẫn địa lý và sản phẩm có họ đáp ứng các tiêu chẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Thứ ba, về nội dung cơ chế bảo hộ:

Cơ chế bảo hộ của nhãn hiệu tập thể là dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của thành viên trong tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với các hàng hóa, dịch vụ của cá nhân/tổ chức không phải là thành viên trong tổ chức đó. Người tiêu dùng nhận biết nhãn hiệu tập thể tức là nhận biết về nguồn gốc của nhãn hiệu (là tập thể) cũng như chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu của tập thể đăng ký là chủ sở hữu.

Cơ chế bảo hộ của nhãn hiệu chứng nhận là dùng để xác định và đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đạt tiêu chuẩn chất lượng mà chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho phép. Tuy nhiên việc chứng nhận này chỉ được chủ sở hữu chứng nhận và đảm bảo về chất liệu, vật liệu, phương thức sản xuất hàng hóa hoặc hoạt động dịch vụ, chất lượng, tính chất, đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ, không phải chứng nhận về nguồn gốc địa lý cũng như chứng nhận về các đặc tính khác mà nhờ có nguồn gốc địa lý mà có được.

Cơ chế bảo hộ của chỉ dẫn địa lý là dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Người tiêu dùng nhận biệt chỉ dẫn địa lý tức là nhận biết về sản phẩm có nguồn gốc địa lý, chất lượng, đặc tính chủ yếu của sản phẩm cũng như danh tiếng của sản phẩm được tạo nên nhờ có điều kiện địa lý tại khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia đó.

Thứ tư, về thời gian bảo hộ:

Đối với nhãn hiệu tập thểnhãn hiệu chứng nhận, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Đối với chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận đăng ký có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp, được sử dụng đến khi không còn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ.

Thứ năm, về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp:

Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng phải thỏa mãn điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra nhãn hiệu cũng được phép chuyển giao quyền sử dụng cho người khác với điều kiện người được chuyển giao phải ghi trên hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. Còn chỉ dẫn địa lý không được phép chuyển nhượng quyền sở hữu cũng như quyền giao quyền sử dụng cho người khác.

Xét thấy, đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp đều rất quan trọng. Việc cẩn trọng trong sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội phát triển, nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tinh vi và khó kiểm soát.

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn