Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Hotline : 0989 244 558

Tin tức Thu hẹp lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Ngày 18/6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14. Luật đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Như vậy các quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được điều chỉnh bởi một luật riêng. Đây chính là một khung pháp lý ổn định, vững chắc cho các hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tác công tư vốn là những hoạt động đầu tư có quy mô lớn, thời gian lâu dài, có tính chất tác động lớn đến kinh tế - xã hội đất nước.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư như sau: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”. Như vậy, trong quan hệ đầu tư theo phương thức đối tác công tư luôn có 2 chủ thể là Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Cơ sở để hợp tác giữa hai chủ thể này là hợp đồng dự án PPP. Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP.

Trước năm 2021, việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn thi hành). So với các quy định hiện hành thì Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có rất nhiều điểm mới doanh nghiệp cần lưu ý.

Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành quy định các lĩnh vực đầu tư khá rộng như: Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; ứng dụng công nghệ thông tin; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hạ tầng thương mại; hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tuy nhiên theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã thu hẹp chỉ còn 5 lĩnh vực sau:

- Giao thông vận tải;

- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

- Y tế; giáo dục - đào tạo;

- Hạ tầng công nghệ thông tin.

Như vậy, so với những quy định trước đó thì Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã thu hẹp các lĩnh vực đầu tư. Nhiều lĩnh vực sẽ không còn được đầu tư theo phương thức PPP như: văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư…

Năm nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Việc thu hẹp lĩnh vực đầu tư cho thấy định hướng mang tính trọng tâm, trọng điểm vào những lĩnh vực cần thu hút đầu tư, từ đó tránh đầu tư tràn lan gây thất thoát lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước

Gửi bình luận

Đặt Lịch Hẹn

Quý khách vui lòng chọn lịch hẹn